BỆNH VIỆN
TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC

KHẢO SÁT TỈ LỆ NHIỄM HBsAg, KT HCV, KN-KT HIV Ở NGƯỜI HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN TẠI BV.TMHH

   1. Đặt vấn đề

   An toàn truyền máu là nội dung xuyên suốt trong chiến lược truyền máu của mỗi quốc gia, trong đó sàng lọc các tác nhân lây nhiễm (TNLN) qua đường máu luôn được xem là mục tiêu quan trọng nhằm giảm thiểu ở mức thấp nhất nguy cơ nhiễm các TNLN qua đường máu khi sử dụng các chế phẩm máu với mục đích điều trị

   Mỗi năm thông qua cuộc vận động toàn dân hiến máu, lượng máu tiếp nhận từ các đối tượng hiến máu tình nguyện ngày càng tăng cao nhưng vấn đề đặt ra là hàng triệu đơn vị máu đó có thực sự an toàn không? Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn trong hiến máu cũng như sàng lọc các đơn vị máu an toàn cho điều trị là một trong những việc làm rất cần thiết. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo việc sàng lọc HBV, HCV và HIV là bắt buộc cho tất cả các đơn vị máu [1]. Ở Việt Nam, theo quy định của thông tư 26/2013/TT-BYT [2], việc đảm bảo an toàn truyền máu phải được thực hiện đồng bộ hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động hiến máu, tuyển chọn người hiến máu, lấy mẫu, điều chế, bảo quản, vận chuyển, quản lý, sử dụng máu và chế phẩm máu. Trong đó, việc đảm bảo tất cả các đơn vị máu được sàng lọc an toàn các bệnh lây qua đường truyền máu như HBsAg, Anti-HCV, HIV Ag/Ab bằng kỹ thuật huyết thanh là quy định bắt buộc.

Tại Bệnh viện Truyền máu Huyết Học TP. Hồ Chí Minh, nhờ có xét nghiệm sàng lọc HBsAg, KT HCV và KN-KT HIV bằng phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao giúp ngăn chặn việc truyền các TNLN cho người nhận máu. Từ đó, ghi nhận những hiệu quả của việc ứng dụng kỹ thuật này trong sàng lọc túi máu tại ngân hàng máu.

   2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

   Thực hiện xét nghiệm sàng lọc HBsAg, KT HCV, KN-KT HIV bằng phương pháp Huyết thanh học (kỹ thuật Elisa trên hệ thống ETIMAX, điện hóa phát quang trên hệ thống Cobas E801 hoặc kỹ thuật hóa phát quang trên hệ thống Architect i4000).

   3. Kết quả nghiên cứu

   Khảo sát 866277 người hiến máu tình nguyện, xác định tỷ lệ người hiến máu dương tính với HBsAg, KT HCV, KN-KT HIV lần lượt là 1,43%; 0,13% và 0,11% giai đoạn 2016-2020.

Khảo sát mối liên quan giữa tỷ lệ người hiến máu dương tính với một số yếu tố dịch tễ, chúng tôi nghi nhận trong bảng sau.

Yếu tố

N

Tỷ lệ nhiễm

HBsAg

KT HCV

KN-KT HIV

Giới tính

Nam

460146

1,63%

0,15%

0,18%

Nữ

406131

1,21%

0,11%

0,04%

Nhóm tuổi

≤ 30 tuổi

445187

1,74%

0,07%

0,14%

31-50 tuổi

333154

1,19%

0,2%

0,09%

Trên 50 tuổi

87936

0,79%

0,23%

0,05%

Số lần hiến máu lặp lại

Người mới (1 lần)

310607

3,57%

0,28%

0,2%

Hiến máu lặp lại

555670

0,24%

0,05%

0,07%

Tổng cộng

866277

1,43%

0,13%

0,11%

   Giới tính: tỷ lệ người hiến máu dương tính với HBsAg, KT HCV, KN-KT HIV ở nam lần lượt là 1,63%; 0,15% và 0,18% chiếm tỷ lệ cao hơn so với nữ lần lượt là 1,21%; 0,11% và 0,04%, trong đó ta thấy được sự khác biệt chênh lệch rõ nhất ở tỷ lệ dương tính KN-KT HIV khi ở nam gấp 4,5 lần so với tỷ lệ dương tính ở nữ. Theo các nghiên cứu ngoài nước vào năm 2015, nhằm điều tra các đặc điểm nhân khẩu học và các yếu tố xã hội liên quan đến TNLN giữa những người hiến máu từ 14 trung tâm máu hoặc ngân hàng khác nhau ở Trung Quốc cho kết quả tỷ lệ nam giới nhiều hơn nữ giới (68,5%, 1354/1976 so với 31,5%, 622/1976), có thể thấy tỷ lệ nam:nữ là 2:1 ở Trung Quốc [5]. Theo một nghiên cứu ở Ethiopia (2014-2019) ghi nhận thì khả năng mắc ít nhất một bệnh nhiễm trùng ở những người cho máu nam cao hơn 1,2 lần so với nữ [6].

   Đối với yếu tố độ tuổi hiến máu: tỷ lệ dương tính KT HCV cao nhất là 0,23% ở độ tuổi “> 50” và độ tuổi “≤ 30” chiếm tỷ lệ dương tính HBsAg và KN-KT HIV cao nhất với 1,19% và 0,14%. Theo nghiên cứu ở Ethiopia cho thấy [6], tuổi là một yếu tố dự báo quan trọng để có ít nhất một lần nhiễm HBV, HCV hoặc HIV. Tỷ lệ xác định ít nhất một TNLN qua đường truyền máu ở người hiến máu tăng lên khi tuổi của người hiến máu tăng lên. Sự thay đổi tỷ lệ chênh lệch ở mỗi 10 năm khác nhau đáng kể so với tỷ lệ chênh lệch TNLN qua đường truyền máu ở những người hiến máu từ 18 đến 24 tuổi. Tỷ lệ dương tính với HBsAg và KN-KT HIV ở độ tuổi trẻ chiếm tỷ lệ cao nhất, điều này có thể giải thích do nhóm trẻ tuổi nên ý thức và độ hiểu biết về các bệnh lây nhiễm qua đường máu của họ không nhiều, do đó nhận thức phòng bệnh còn chưa cao. Tỷ lệ dương tính với KT HCV ở độ tuổi “> 50” chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm tuổi nghiên cứu. Điều này có thể hiểu như sau, do bệnh viêm gan C là một bệnh diễn tiến thầm lặng đồng thời ở phương pháp sàng lọc huyết thanh học là kháng thể HCV, do đó khi KT HCV dương tính thì chứng tỏ bệnh nhân đã nhiễm HCV chứ không khẳng định bệnh nhân nhiễm viêm gan C cấp hay mạn, vì vậy sự phản ứng dương tính với KT HCV tỷ lệ thuận với độ tuổi của người hiến tặng.

   Đối với yếu tố người hiến máu lặp lại: tỷ lệ dương tính với HBsAg, KT HCV, KN-KT HIV ở người mới lần lượt là 3,57%; 0,28%; 0,2% cao hơn gấp 15 lần, 6 lần, 3 lần so với tỷ lệ người hiến lặp lại lần lượt là 0,24%; 0,05% và 0,07%, cho thấy có độ giảm đáng kể tỷ lệ dương tính ở người hiến lặp lại so với người hiến mới. Điều này cho thấy rằng sự quản lí tốt thông tin của người hiến máu và chất lượng của các phương pháp sàng lọc các TNLN qua đường truyền máu của mỗi khu vực, mỗi quốc gia.

Như vậy, trong thời gian 5 năm từ 2016 đến 2020, chúng tôi đã phát hiện và loại bỏ được 14548 đơn vị máu phản ứng với các TNLN trong đó có 12422 mẫu dương tính với HBsAg, 1149 mẫu dương tính với KT HCV, và 977 mẫu dương tính với KN-KT HIV. Vì vậy, xét nghiệm HBsAg, KT HCV, KN-KT HIV là rất cần thiết trong việc sàng lọc túi máu an toàn tại BV.TMHH.

   4. Tài liệu tham khảo

1. World Health Organization (2020). Blood safety and availability. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/blood-safety-and-availability.

2. Bộ Y tế (2013). Thông tư 26/2013/TT-BYT ngày 26/09/2013 Hướng dẫn hoạt động truyền máu.

3. Fong I.W. (2020). Blood Transfusion-Associated Infections in the Twenty-First Century: New Challenges. Current Trends and Concerns in Infectious Diseases. Emerging Infectious Diseases of the 21st Century. Springer, Cham

4. Rosanna W. Peeling, David Mabey, Mary L. Kamb, Xiang-Sheng Chen, Justin David , Radolf, Adele Schwartz Benzaken (2018). Syphilis. HHS Public Access, 1-49

5. Chang L, Zhao J, Guo F, Ji H, Zhang L, Jiang X, Wang L (2019). Demographic characteristics of transfusion-transmitted infections among blood donors in China. BMC Infect Dis, 11, 19(1):514.

6. Abdella S, Moshago Berheto T, Tolera G, Belete W, Deressa T, Feleke A, H/Silassie A, Gezahegn N, Tadesse D, Tefera M, Dillnessa E, Kinfu A, Abate E, Kifle T (2020). Sero-prevalence of transfusion transmittable infections: HIV, Hepatitis B, C and Treponema pallidum and associated factors among blood donors in Ethiopia: A retrospective study. PLoS One, 29, 15(10):e0241086.

ThS. Trần Thị Thanh Thảo

KHOA SÀNG LỌC MÁU

TIN KHÁC