Kỹ thuật Cytospin trong đánh giá xâm lấn thần kinh trung ương trên bệnh nhân bạch cầu cấp
Mở đầu
Bạch cầu cấp dòng lympho (ALL) là một bệnh lý ác tính thường gặp ở trẻ em, với tiên lượng cải thiện đáng kể nhờ các phác đồ điều trị hiện đại. Tuy nhiên, tái phát tại hệ thần kinh trung ương (TKTW) vẫn là một biến chứng khó kiểm soát và ảnh hưởng xấu đến khả năng lui bệnh lâu dài.
Trong chẩn đoán xâm lấn TKTW, kỹ thuật Cytospin đóng vai trò thiết yếu giúp phát hiện chính xác sự hiện diện của các tế bào non (blast) trong dịch não tuỷ.
Vai trò của kỹ thuật Cytospin trong xét nghiệm dịch não tuỷ
Cytospin là kỹ thuật sử dụng ly tâm nhẹ để tập trung tế bào trong dịch não tuỷ vào một vùng nhỏ trên lam kính, từ đó nhuộm và quan sát dưới kính hiển vi. Đây là phương pháp tiêu chuẩn trong khảo sát tế bào dịch não tuỷ, giúp:
· Phát hiện blast ngay cả khi số lượng tế bào rất thấp (<10 tế bào/µL).
· Phân biệt blast với các tế bào phản ứng khác.
· Là cơ sở xác định phân nhóm CNS-1, CNS-2, CNS-3, hướng dẫn chỉ định điều trị hoặc dự phòng xâm nhập TKTW.
Hiệu quả chẩn đoán của kỹ thuật Cytospin phụ thuộc nhiều vào thời gian vận chuyển mẫu, kỹ thuật xử lý và kinh nghiệm người đọc lam. Nếu xử lý đúng quy trình, kỹ thuật này cho phép phát hiện những ca xâm nhập TKTW đơn độc, vốn dễ bị bỏ sót trong giai đoạn bệnh ổn định về lâm sàng.
Quy trình thực hiện kỹ thuật Cytospin tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học
Tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học, kỹ thuật Cytospin được triển khai để hỗ trợ lâm sàng trong các trường hợp nghi ngờ xâm nhập TKTW, đặc biệt ở bệnh nhi ALL. Quy trình bao gồm:
Quay ly tâm bằng phương pháp chuyên dụng tập trung tế bào (Cytocentrifugation) để tập trung các tế bào có trong dịch não tuỷ vào một diện tích nhỏ trên lam kính nhờ lực ly tâm thấp (thường 500–1 000 rpm trong 5–10 phút) kết hợp hệ thống buồng hẹp và phễu hấp thụ. Nhờ vậy, các tế bào sau khi quay ly tâm bằng phương pháp tập trung tế bào này giữ được cấu trúc nhân‑ bào tương, thuận lợi cho nhận diện blast, hoặc tế bào phản ứng.
Hình 1. Máy quay ly tâm tập trung tế bào (Cytocentrifugation) và dụng cụ liên quan được sử dụng trong kĩ thuật cytospin
Thu thập mẫu:
· Loại mẫu: Dịch não tủy.
· Vị trí lấy mẫu: Chọc dò tủy sống ở khoảng L3 – L5.
· Kĩ thuật lấy mẫu: Vô trùng.
· Lọ đựng mẫu: Vô trùng, không chất chống đông.
· Thể tích mẫu: trẻ em: 1 – 2 ml mỗi lọ, người lớn: 2 – 3 ml mỗi lọ.
Xử lý tiền phân tích
· Vận chuyển ngay về phòng xét nghiệm; ly tâm muộn quá 2 giờ làm thoái hóa tế bào.
· Đếm tế bào toàn phần bằng máy phân tích tự động hoặc buồng đếm thủ công.
Chuẩn bị lam cytospin
· Trộn nhẹ, hút đủ thể tích vào phễu Cytospin kèm giấy thấm.
· Dùng Micropipette rút 200 µL dịch não tủy cho vào giá đựng dịch não tủy.
· Quay ly tâm ở tốc độ 1000 vòng/phút trong 5 phút.
· Lấy lame ra, để ở nhiệt độ phòng cho khô tự nhiên trong 30 phút.
· Cố định lame bằng cồn tuyệt đối, để lame vào vật cố định ở nhiệt độ phòng trong 15 phút.
Nhuộm – quan sát đánh giá hình thái tế bào dưới kính hiển vi
· Nhuộm lame với Giemsa; rửa nước; để khô.
· Thành phần tế bào của dịch não tủy bình thường bao gồm tế bào lympho, bạch cầu đơn nhân và đôi khi là tế bào ngoại bì thần kinh. Tế bào lympho chủ yếu là tế bào T (~ 97%). Không có bạch cầu hạt. Không hiện diện hồng cầu trưởng thành, hồng cầu nhân.
· Đánh giá hình thái tế bào ×400 và ×1000 (vật kính dầu) để đánh giá: hình thái blast (nhân lớn, chất nhiễm sắc mịn, bào tương hạt azurophilic hiếm gặp ở ALL), phân biệt lymphocyte phản ứng.
Báo cáo kết quả và phân loại CNS
Phân loại | Tiêu chuẩn chẩn đoán xâm lấn thần kinh trung ương |
CNS‑1 | <5 bạch cầu/µL và không có blast |
CNS‑2 | <5 bạch cầu/µL có blast |
CNS‑3 | ≥5 bạch cầu/µL và/hoặc cluster blast |
Hình 2. Tế bào non trong dịch não tuỷ
Kết quả nghiên cứu tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học
Một nghiên cứu hồi cứu tại bệnh viện trên 36 bệnh nhi (<16 tuổi) bị tái phát ALL đơn độc tại TKTW cho thấy:
· Tỷ lệ tái phát TKTW đơn độc là 30,9%, trong đó phát hiện tế bào non nhờ kỹ thuật Cytospin đóng vai trò xác định chẩn đoán.
· Kỹ thuật Cytospin giúp phân loại chính xác nhóm CNS-2, CNS-3, từ đó giúp lựa chọn phác đồ hoá trị có xâm lấn TKTW phù hợp.
Ý nghĩa lâm sàng
Việc sử dụng kỹ thuật Cytospin trong xét nghiệm dịch não tuỷ giúp phát hiện sớm tình trạng xâm lấn thần kinh trung ương ngay cả ở những bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt. Phát hiện này cho phép điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp, từ đó góp phần cải thiện tiên lượng sống còn ở bệnh nhân ALL.
Kết luận
Kỹ thuật Cytospin là công cụ hiệu quả, đơn giản và chi phí hợp lý trong chẩn đoán tế bào học dịch não tuỷ. Trong bối cảnh bệnh bạch cầu cấp dòng lympho có nguy cơ xâm nhập hệ thần kinh trung ương cao, việc triển khai kỹ thuật này không chỉ giúp phát hiện sớm mà còn góp phần cá thể hoá điều trị và cải thiện kết quả sống còn cho người bệnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huỳnh Quang Đạt, Nguyễn Quốc Thành, Huỳnh Nghĩa. Bước đầu khảo sát đặc điểm lâm sàng, sinh học và kết quả điều trị bệnh nhân bạch cầu cấp dòng lympho trẻ em tái phát thần kinh trung ương đơn độc tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học.
2. Parmentier S, et al. Cerebrospinal fluid and CNS cytology: update on specimen processing and diagnostic pitfalls. Lab Med. 2016.
3. Gouveia A, et al. Diagnostic significance of CSF flow cytometry in acute leukemia. Front Oncol. 2023.
4. European LeukemiaNet (ELN). Recommendations for diagnosis and management of ALL in adults. Blood. 2024.
5. Hett GmbH. Slide Preparation of Cerebrospinal Fluid for Cytological Examination. Application Note; 2019.