BỆNH VIỆN
TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC

VAI TRÒ SỰ ĐỒNG BIỂU HIỆN CD34 VÀ CD123 TRONG PHÂN BIỆT TẾ BÀO ÁC TÍNH VÀ TẾ BÀO LÀNH TÍNH Ở BỆNH BCCDL-B TRẺ EM


Bạch cầu cấp dòng lympho B (BCCDL-B) là bệnh lý huyết học phổ biến nhất ở trẻ em, chiếm khoảng 85% trong các trường hợp bạch cầu cấp và gần 30% các ca ung thư [4]. Những tiến bộ trong điều trị – đặc biệt là hoá trị theo phác đồ cá thể hoá và phân nhóm nguy cơ – đã cải thiện rõ rệt tiên lượng sống cho bệnh nhi. Tuy nhiên, việc tiên lượng dài hạn vẫn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phát hiện tồn lưu tế bào ác tính (TLTBAT) sau điều trị dù đã có đáp ứng lâm sàng hoàn toàn.

Trong đó, tế bào dòng chảy (TBDC-Flow Cytometry) là kỹ thuật được áp dụng phổ biến nhờ độ nhạy cao, khả năng phân tích nhanh số lượng lớn tế bào, đồng thời phát hiện các kiểu hình miễn dịch bất thường (LAIP – leukemia-associated immunophenotype). Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất khi sử dụng kĩ thuật TBDC trong đánh giá TLTBAT ở bệnh nhân BCCDL-B là sự tồn tại của các quần thể tế bào lành tính có đặc điểm tương tự tế bào ác tính sau hóa trị liệu, đặc biệt là hematogones (HGs).

Hematogones và vai trò trong giai đoạn hồi phục tủy:

Hematogones là các tế bào tiền thân dòng lympho B bình thường, thường tăng sinh mạnh mẽ trong giai đoạn hồi phục sau hoá trị hoặc ghép tế bào gốc. Do có cùng nguồn gốc dòng lympho B, HGs có nhiều dấu ấn bề mặt tương đồng với B-lymphoblast ác tính, bao gồm: CD19, CD10, CD34, CD38, CD45, v.v…

Về kiểu hình miễn dịch, hematogones tùy giai đoạn trưởng thành thường biểu hiện: CD19+, CD10+, CD34+/−, CD45 từ trung bình đến mạnh, CD38+, không có các bất thường về dấu ấn miễn dịch (biểu hiện CD45 âm tính, giảm/mất kháng nguyên, hoặc biểu hiện bất thường các dấu ấn khác dòng (CD13, CD33...), …)

Tuy nhiên, vì quần thể hematogones có thể biểu hiện CD34 hoặc CD10 ở mức độ tương tự tế bào ác tính, nếu không có dấu ấn phân biệt đủ rõ, kết quả đánh giá TLTBAT có thể bị dương tính giả, dẫn đến tiên lượng sai và can thiệp điều trị không đúng thời điểm.

 

Hình 1. Minh họa sự biểu hiện của CD34 và CD123 ở quần thể HGs
và lympho B trưởng thành

Các quần thể tế bào dòng B với CD19+ (hình A) được phân thành 3 nhóm: CD45dim (P1), CD45inter (P2), CD45bright (P3) (hình B). P1 biểu hiện CD10+CD20-CD34+, P2 biểu hiện CD10+CD20±CD34-, P3 có biểu hiện CD10-CD20+CD34- (hình C-D). Một trường hợp có P1 biểu hiện CD34+CD123-, P2 và P3 biểu hiện CD34-CD123- (hình E). Trường hợp khác có P1 biểu hiện CD34+CD123-, P2 và P3 biểu hiện CD34-CD123dim (hình F).

CD34 và CD123 là hai dấu ấn quan trọng

CD34: là một glycoprotein xuyên màng, có trọng lượng phân tử khoảng 110 kDa, được biểu hiện chủ yếu trên: tế bào gốc tạo máu chưa biệt hóa, các tiền thân lympho và tiền thân tủy chưa trưởng thành, một số mô nội mô (không liên quan đến dòng tạo máu) .

Trong huyết học, CD34 được xem là dấu ấn của tế bào non, được sử dụng rộng rãi trong: định danh tế bào gốc tạo máu (trong ghép tế bào gốc), phân biệt tế bào non ác tính với tế bào trưởng thành, hỗ trợ đánh giá tồn lưu ác tính trong bạch cầu cấp [5].

Tuy nhiên, CD34 không đặc hiệu cho ác tính, vì cũng có thể xuất hiện ở HGs. Do đó, việc sử dụng CD34 đơn độc thường không đủ để phân biệt B-lymphoblast ác tính với HGs.

CD123: tiểu đơn vị α của thụ thể interleukin-3 (IL-3Rα), có trọng lượng khoảng 75 kDa, thuộc họ cytokine class I. CD123 được biểu hiện giới hạn trên các tế bào đáp ứng IL-3 như: tiền thân tạo máu, monocyte, mẫu tiểu cầu, lympho B trưởng thành và tế bào tua. CD123 được biểu hiện yếu hoặc không biểu hiện trên các tế bào gốc tạo máu và tế bào tiền thân dòng hồng cầu; trong khi đó, lại biểu hiện tương đối mạnh hơn ở các tế bào tiền thân dòng tủy và tiền thân dòng lympho B. Theo quá trình trưởng thành của tế bào, sự biểu hiện CD123 giảm dần và không biểu hiện ở bạch cầu hạt và lympho trưởng thành. CD123 không hoặc chỉ biểu hiện rất yếu trên tế bào gốc tạo máu CD34+[1].

Sự đồng biểu hiện CD34 và CD123 trong đánh giá MRD

Sự đồng biểu hiện CD34+CD123+chỉ hiện diện trên tế bào B non ác tính và không tìm thấy trên tế bào B lành tính [3]. Đặc trưng của hematogones hoặc tế bào B trưởng thành có CD34+/CD123- hoặc CD34-CD123-/dim. Do đó, khi phát hiện một quần thể nhỏ với CD34+CD123+ trong giai đoạn đánh giá TLTBAT, khả năng đó là tế bào B-lymphoblast còn tồn lưu là rất cao.

Một lợi thế khác của CD123 là tính ổn định theo thời gian, không bị ảnh hưởng mạnh bởi hóa trị liệu như một số kháng nguyên khác (ví dụ CD10, CD20 có thể thay đổi hoặc giảm sau điều trị)[2]. Điều này giúp CD123 trở thành một dấu ấn theo dõi lý tưởng, bên cạnh các chiến lược định danh LAIP ban đầu.

Sự kết hợp giữa CD34 và CD123 không chỉ mang tính hỗ trợ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tìm các quần thể tế bào B ác tính còn sót lại sau hóa trị, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tiên lượng và điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho B.

 

Hình 2. Minh họa trường hợp đồng thời tồn tại quần thể tế bào ác tính và HGs

P1 gồm quần thể HGs (CD45Dim) CD34+CD123- và quần thể TLTBAT (CD45Neg-Dim) CD34+CD123+. P2 là quần thể HGs trưởng thành hơn (CD45Inter) CD34-CD123-

Tài liệu tham khảo

1. Angelova E., Audette C., Kovtun Y., et al. (2019), "CD123 expression patterns and selective targeting with a CD123-targeted antibody-drug conjugate (IMGN632) in acute lymphoblastic leukemia", haematologica, 104 (4), pp.749-755.

2. Coustan-Smith E., Song G., Clark C., et al. (2011), "New markers for minimal residual disease detection in acute lymphoblastic leukemia", Blood, 117 (23), pp.6267-6276.

3. Muñoz L., Nomdedéu JF., López O., et al. (2001), "Interleukin-3 receptor alpha chain (CD123) is widely expressed in hematologic malignancies", Haematologica, 86 (12), pp.1261-1269.

4. Raetz EA., Loh M., O’Brien MM., et al. (2014), "Acute lymphoblastic leukemia in children", Wintrobe's clinical hematology, Lippincott Williams & Wilkins, 13 edition, pp.1616-1636.

5. Terwijn M., van Putten WL., Kelder A., et al. (2013), “High prognostic impact of flow cytometric minimal residual disease detection in acute myeloid leukemia: data from the HOVON/SAKK AML 42A study”, J Clin Oncol, 31 (31), pp.3889–3897. doi:10.1200/JCO.2012.45.9628

 
Nguyễn Thị Kim Yến, Nguyễn Ngọc Sang 

TIN KHÁC