BỆNH VIỆN
TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC

QUÁ TẢI TUẦN HOÀN LIÊN QUAN TRUYỀN MÁU

1. Quá tải tuần hoàn liên quan truyền máu là gì?

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh (Centers for Disease Control and Prevention: CDC), quá tải tuần hoàn liên quan truyền máu được định nghĩa là các triệu chứng khởi phát trong vòng 12 giờ đầu sau khi truyền máu mà không do các nguyên nhân khác. Các triệu chứng bao gồm:

- Suy hô hấp cấp hoặc diễn tiến nặng hơn (khó thở, thở nhanh, giảm oxy máu không do các nguyên nhân khác).

- Phù phổi cấp hoặc tiến triển trên lâm sàng hoặc hình ảnh học

- Tăng B-type Natriuretic Peptide (BNP) hoặc N-terminal pro B-type natriuretic peptide ( NT – proBNP).

- Thay đổi chức năng tim mạch không giải thích được (tăng áp lực tĩnh mạch trung tâm, suy tim trái, tăng huyết áp, phù ngoại biên).

 

2. Tần suất:

- Xuất hiện < 1% các ca truyền máu và thường gặp hơn ở những bệnh nhân nội trú, đặc biệt bệnh nhân ở đơn vị Chăm sóc đặc biệt (Intensive care unit: ICU).

- Là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do truyền chế phẩm máu.

 

3. Nguyên nhân và bệnh sinh:

- Phù phổi trong quá tải tuần hoàn là do tim mạch và có thể phát triển hoặc gia tăng suy tim trước đó.

- Xảy ra do tốc độ truyền máu quá nhanh hoặc thể tích truyền máu quá nhiều.

 

4. Yếu tố nguy cơ:

- Có thể xảy ra ở mọi bệnh nhân và bất kỳ chế phẩm máu nào (hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh). Tuy nhiên, thể tích truyền và tốc độ truyền có liên quan đến nguy cơ quá tải tuần hoàn.

- Nhóm nguy cơ cao: trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai, suy kiệt, suy tim và những bệnh nhân có gia tăng thể tích huyết tương (thiếu máu mạn tính, thalassemia). Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm giới tính nữ, tiền sử suy tim sung huyết, chạy thận nhân tạo, thở máy, dùng thuốc vận mạch gần đây và cân bằng dịch dương.

 

5. Biểu hiện lâm sàng:

- Đau đầu, tức ngực, khó thở, thở nhanh, ngồi thở, ho, khạc đờm bọt hồng

- Tim đập nhanh, tụt huyết áp.

- Ran ẩm 2 phổi tăng dần.

- Triệu chứng suy tim phải: gan to, tĩnh mạch cổ nổi, áp lực tĩnh mạch trung tâm (central venous pressure: CVP) cao, gallop T3.

- Biểu hiện suy tim, phù phổi cấp tuỳ mức độ.

 

6. Chẩn đoán:

- Cần nghĩ đến quá tải tuần hoàn khi người bệnh biểu hiện triệu chứng suy hô hấp hoặc suy hô hấp nặng hơn trong vòng 12 giờ sau khi truyền máu (đặc biệt sau truyền lượng lớn chế phẩm máu).

- Khám lâm sàng các triệu chứng suy tim, phù phổi cấp cũng như đánh giá các nguyên nhân khác gây khó thở (sốc phản vệ hay thuyên tắc phổi)

- Cận lâm sàng: bão hoà oxy máu giảm, Xquang ngực thẳng (phù phổi cấp), BNP hoặc NT pro – BNP (tăng).

 

7. Chẩn đoán phân biệt

a. Các phản ứng truyền máu khác:

Loại tai biến

Biểu hiện lâm sàng

Cận lâm sàng

Tổn thương phổi cấp liên quan truyền máu (Transfusion – related acute lung injury: TRALI)

- Thường xảy ra 1 – 4 giờ sau truyền máu.

- Suy giảm cấp tính chức năng hô hấp, sốt lạnh run, mạch nhanh, khó thở, hạ huyết áp

1. Bão hoà oxy máu giảm

2. Xquang ngực thẳng: thâm nhiễm mô kẽ cả 2 phổi, không bóng tim to

3. Xét nghiệm kháng thể và định loại kháng thể chống bạch cầu (HLA class I, II kháng nguyên đặc hiệu bạch cầu) ở huyết tương người hiến và người bệnh.

Sốc phản vệ do truyền máu

- Thường xuất hiện ngay sau khi bắt đầu truyền máu (20 – 30 phút)

- Sốc truỵ tim mạch, tụt huyết áp

- Khó thở, co thắt phế quản

- Không sốt

Khẳng định chẩn đoán khi xét nghiệm phát hiện thiếu hụt bẩm sinh IgA ở người bệnh và có kháng thể chống IgA.

Nhiễm trùng và sốc nhiễm trùng

- Có thể xảy ra nhanh sau truyền máu hoặc sau truyền máu vài giờ. Thường gặp khi truyền tiểu cầu hơn hồng cầu.

- Sốt cao, lạnh run, mạch nhanh, tụt huyết áp.

Cần nhuộm Gram, cấy máu để khẳng định

Tán huyết nội mạch cấp

- Thường xuất hiện sau vài phút truyền máu với lượng máu rất ít (5-10 ml)

- Kích thích, lo lắng, đỏ da, buồn nôn, nôn, đau vị trí truyền máu, đau lưng, đau bụng, đau ngực, sốt/rét run, mạch nhanh, hạ huyết áp, chảy máu không cầm ở các vị trí tổn thương, nước tiểu đỏ hoặc sẫm màu,…

1. Bilirubin gián tiếp tăng, test Coombs dương.

2. Xét nghiệm hoà hợp nhóm máu người bệnh và đơn vị máu truyền.

 
 

Hình ảnh Xquang ngực thẳng quá tải tuần hoàn và tổn thương phổi liên quan truyền máu

a. Bệnh nhân quá tải tuần hoàn do truyền máu (TACO)

b. Cùng bệnh nhân hình (a) hồi phục sau quá tải tuần hoàn

c. Bệnh nhân X-Quang ngực bình thường trước khi truyền chế phẩm máu

d. Cùng bệnh nhân hình (c) bị tổn thương phổi do truyền máu (TRALI)

Nguồn: Semple JW, Rebetz J, Kapur R. Transfusion-associated circulatory overload and transfusion-related acute lung injury. Blood. 2019 Apr 25;133(17):1840-1853

b. Bệnh tim phổi:

- Suy tim cấp do nguyên nhân khác (bệnh lý mạch vành, rối loạn nhịp, bệnh cơ tim…)

- Thuyên tắc phổi.

 

8. Xử trí:

- Ngừng truyền máu.

- Hỗ trợ hô hấp: Nằm đầu cao (tư thế Fowler), thở oxy.

- Chích lợi tiểu: Furosemide 40 – 80 mg (1 – 2 mg/kg/lần) có thể lặp lại sau 15 – 30 phút nếu cần. Tổng liều tối đa 200 mg.

- Dãn tĩnh mạch làm giảm áp lực thuỷ tĩnh ở tĩnh mạch chủ và động mạch phổi: isosorbide dinitrate (Risordan) 0,5 mg/kg/lần ngậm dưới lưỡi

- Thuốc trợ tim: Digoxin (nếu bệnh nhân suy tim).

 

9. Dự phòng:

- Đối với bệnh nhân có nguy cơ cao nên truyền chậm không quá 2 – 2,5 ml/kg/h; nếu bệnh nhân có suy tim, suy thận giảm còn 1 ml/kg/h và giới hạn số đơn vị truyền máu trong ngày.

- Sử dụng lợi tiểu (Furosemide 20 - 40 mg) trước trong hoặc sau truyền máu ở nhóm nguy cơ cao, tiền căn bị quá tải tuần hoàn.

- Đánh giá trước truyền máu: đo sinh hiệu, khám tim phổi, cân bằng xuất nhập, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm (nếu có).

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Y tế. Quyết định số 1832/QĐ-BYT. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học.2022 - Xử trí tai biến truyền máu

2. Phác đồ bệnh viện Truyền Máu Huyết Học - Xử trí tai biến truyền máu

3. Aaron Tobian.Transfusion-associated circulatory overload. Uptodate. 2022

BS Trịnh Thị Thúy An

Khoa Điều trị ban ngày

TIN KHÁC