BỆNH VIỆN
TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC

Hiệu quả liệu pháp tế bào gốc trong điều trị bệnh đa xơ cứng

      Theo một nghiên cứu mới của Thụy Điển về việc sử dụng tế bào gốc tự thân trong phương pháp điều trị thường quy đã cho thấy có hiệu quả trong việc làm chậm sự tiến triển của bệnh đa xơ cứng

Các nhà nghiên cứu cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc ghép tế bào gốc tạo máu tự thân (aHSCT) là phù hợp để điều trị bệnh đa xơ cứng tái phát thuyên giảm.

      Vì ghép tế bào gốc tạo máu tự thân vẫn chưa được đưa vào hầu hết các hướng dẫn lâm sàng quốc gia nên một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Uppsala muốn đánh giá tính an toàn và hiệu quả của nó khi sử dụng trong phương pháp điều trị thường quy. Phát hiện của họ được công bố trên Tạp chí Journal of Neurology Neurosurgery & Psychiatry.

      Các nhà nghiên cứu đã xác định được 231 bệnh nhân mắc bệnh đa xơ cứng tái phát thuyên giảm, trong đó 174 bệnh nhân đã được điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu tự thân trước năm 2020. Độ tuổi trung bình của họ khi điều trị là 31 và 64% là phụ nữ.

      Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu được thu thập từ cơ quan đăng ký đa xơ cứng của Thụy Điển và độ an toàn được đánh giá bằng cách xem xét kỹ lưỡng bệnh án điện tử của bệnh nhân trong 100 ngày sau ghép.

      Trung bình, bệnh nhân đã mắc bệnh hơn ba năm và đã trải qua trung bình là hai đợt điều trị bằng thuốc trước ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, và có 23 bệnh nhân chưa từng điều trị.

Trung bình 3 năm sau ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, 20 bệnh nhân (11%) đã được dùng thuốc điều trị bệnh. 5 năm sau khi cấy ghép, không có dấu hiệu tái phát bệnh ở 73% số người được điều trị và sau 10 năm là 65%.

      Trong số 149 bệnh nhân đa xơ cứng với vài khuyết tật ban đầu, 54% (80) đã cải thiện, 37% (55) vẫn ổn định và 9% (14) chuyển biến xấu.

      Tỷ lệ tái phát đa xơ cứng hàng năm là 1,7 trong năm trước ghép tế bào gốc tạo máu tự thân và 0,035 trong thời gian theo dõi (trung bình là 5,5 năm). Nói cách khác, trung bình một bệnh nhân có 1,7 lần tái phát mỗi năm trước khi điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu tự thân và một lần tái phát cứ sau 30 năm sau khi điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu tự thân.

      Năm bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt và 61 bệnh nhân bị nhiễm trùng do vi khuẩn trong vòng 100 ngày sau ghép, trong đó sốt giảm bạch cầu là biến chứng phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 68% bệnh nhân.

Vì đây là một nghiên cứu quan sát, không có nhóm so sánh nên không thể đưa ra kết luận chắc chắn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng ghép tế bào gốc tạo máu tự thân khả thi trong phương pháp điều trị thường quy và có thể được thực hiện mà không ảnh hưởng đến sự an toàn cho bệnh nhân.

      Nghiên cứu của chúng tôi chứng thực các kết quả quan sát được trong thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng duy nhất được thực hiện cho đến nay. Chúng tôi tin rằng ghép tế bào gốc tạo máu tự thân có thể mang lại lợi ích cho nhiều bệnh nhân đa xơ cứng hơn và nên xem như là một phương pháp tiêu chuẩn cho các bệnh nhân đa xơ cứng.”

      Nguồn: Silfverberg T, Zjukovskaja C, Ljungman P, Nahimi A, Ahlstrand E, Dreimane A, Einarsdottir S, Fagius J, Iacobaeus E, Hägglund H, Lange N, Lenhoff S, Lycke J, Mellergård J, Piehl F, Svenningsson A, Tolf A, Cherif H, Carlson K, Burman J. (2023) “Haematopoietic stem cell transplantation for treatment of relapsing-remitting multiple sclerosis in Sweden: an observational cohort study.” Journal of Neurology Neurosurgery & Psychiatry, doi 10.1136/jnnp-2023-331864.

      Link: https://b-s-h.org.uk/about-us/news/stem-cell-therapy-effective-for-multiple-sclerosis

(09 tháng 10 năm 2023)

TIN KHÁC