BỆNH VIỆN
TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC

NHÓM MÁU RHESUS D TRONG TRUYỀN MÁU VÀ MANG THAI

      1. Hệ nhóm máu Rhesus:
      Là hệ nhóm máu quan trọng tham gia vào phản ứng truyền máu sau hệ nhóm máu ABO. Tính đến năm 2023, có hơn 50 kháng nguyên trong đó 5 kháng nguyên D, C, c, E và e là quan trọng nhất. Không có kháng nguyên d. Chữ thường "d" biểu thị sự vắng mặt của kháng nguyên D (gen thường bị xóa hoặc không có chức năng). Ở Việt Nam, những người có nhóm máu RhD âm (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) ước tính chiếm khoảng 0,07% dân số hiện nay, nên được coi là nhóm máu hiếm.
Trạng thái RhD của một cá nhân thường được mô tả bằng hậu tố dương (+) hoặc âm (-) sau loại nhóm máu ABO (ví dụ: người A+ có kháng nguyên A và kháng nguyên D, trong khi người là A − có kháng nguyên A nhưng thiếu kháng nguyên D.
 
 
      1.RhD dương
      2.RhD âm
      3.Kháng nguyên D
      Hình 1: Phân biệt hồng cầu RhD dương và RhD âm
      2. Phân biệt các kiểu hình RhD:
      RhD dương tính: có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu. D ở dạng đồng hợp tử (thừa hưởng cả 2 gen D từ cha và mẹ D/D) hoặc dị hợp tử (thừa hưởng một gen D từ cha hoặc mẹ D/d).
RhD âm tính: không có kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu. Con không thừa hưởng gen D từ cả cha và mẹ.
      RhD yếu: số lượng kháng nguyên D trên bề mặt hồng cầu giảm hoặc cấu trúc protein bị thay đổi làm thay đổi các epitope D.
      Kháng thể hệ Rh thường là kháng thể miễn dịch dạng IgG, có thể được hình thành khi người mang RhD âm tính hoặc RhD yếu tiếp xúc với hồng cầu mang kháng nguyên D (thường là do mang thai hoặc truyền các chế phẩm máu). Kháng nguyên D là kháng nguyên có khả năng tạo miễn dịch cao nhất trong số tất cả các kháng nguyên hệ Rhesus, ngoại trừ hệ nhóm máu ABO. Khoảng 80% số người có RhD âm tính tiếp xúc với một đơn vị máu RhD dương tính sẽ tạo ra kháng thể kháng D.
      3. Nhóm máu RhD trong thực hành truyền máu, tất cả đều phải hòa hợp nhóm máu hệ ABO:
      Người có nhóm máu RhD dương có thể nhận máu RhD dương, RhD yếu, RhD âm. Và chỉ có thể cho máu cho người RhD dương.
      Người có nhóm máu RhD âm chỉ có thể nhận máu RhD âm. Và cho máu được cho người máu RhD dương, RhD yếu, RhD âm.
      Người có nhóm máu RhD yếu chỉ có thể nhận máu RhD âm. Và cho máu được cho người máu RhD dương.
      Nếu người có nhóm máu RhD âm nhận máu RhD dương, sau khi được truyền máu cơ thể người nhận có thể sẽ sinh kháng thể chống D trong huyết thanh. Đến những lần truyền máu tiếp theo nếu vẫn tiếp tục truyền máu RhD dương thì nguy cơ có thể sẽ xảy ra phản ứng tan máu trong cơ thể người nhận dẫn đến tai biến truyền máu rất nguy hiểm.
 
 
Hình 2: Biểu đồ hòa hợp nhóm máu hệ ABO và RhD
      4. Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi đối với nhóm máu RhD:
      Cơ chế hình thành: Mẹ nhóm máu RhD âm mang thai lần đầu con nhóm máu RhD dương. Trong lần sinh đầu nếu máu mẹ tiếp xúc với máu con thì kháng thể chống D có khả năng sẽ hình thành trong máu mẹ nhiều tuần đến nhiều tháng sau sinh. Khi mang thai lần hai, kháng thể chống D thường là dạng IgG từ máu mẹ có thể qua hàng rào nhau thai vào bào thai, nồng độ kháng thể thường tăng nhanh vào các tháng cuối thai kỳ, nếu con mang RhD dương thì các kháng thể này có khả năng sẽ tấn công các tế bào máu của thai gây thiếu máu tan huyết ở bào thai dẫn đến sảy thai, thai lưu, sinh non, trẻ tử vong sau khi sinh hoặc trẻ có thể bị thiếu máu tan huyết mức độ từ nhẹ đến nặng.
 
 
      Hình 3: Cơ chế hình thành bất đồng miễn dịch giữa mẹ và thai nhi
      Biện pháp phòng ngừa: Mẹ nhóm máu RhD âm, xét nghiệm nhóm máu RhD của người cha. Nếu người cha mang RhD âm thì bác sĩ sẽ không cần can thiệp, chỉ theo dõi thai kỳ bình thường. Nếu người cha mang RhD dương thì đầu tiên người mẹ sẽ làm thêm xét nghiệm “Sàng lọc kháng thể bất thường” để phát hiện xem trong huyết thanh mẹ có tồn tại kháng thể bất thường hay không. Nếu kết quả là “Dương tính” thì tiếp tục thực hiện xét nghiệm “Định danh kháng thể bất thường” để xác định kháng thể bất thường đó có phải kháng thể chống D hay không và nếu kết quả là có kháng thể chống D lưu hành trong huyết thanh mẹ thì có thể làm thêm xét nghiệm “Chuẩn độ Anti D” để xác định nồng độ kháng thể chống D trong huyết thanh người mẹ. Các xét nghiệm này sẽ được thực hiện khoảng từ tuần thứ 16 đến tuần thứ 28 của thai kỳ. Nếu huyết thanh người mẹ có kháng thể chống D thì phải theo dõi sát thai kỳ, theo dõi trẻ sau sinh, đặc biệt là theo dõi trẻ ở giai đoạn nhũ nhi. Nếu huyết thanh người mẹ không có kháng thể chống D thì khuyến cáo nên tiêm dự phòng Globulin miễn dịch anti D ở tuần thứ 28 của thai kỳ nhằm mục đích làm giảm khả năng sinh kháng thể. Sau khi sinh, nếu trẻ mang RhD dương, khuyến cáo tiêm globulin miễn dịch anti D trong vòng 72 giờ sau sinh theo phác đồ của chuyên khoa.
      Tài liệu tham khảo:
1. Flegel WA. Modern Rhesus (Rh) typing in transfusion and pregnancy. CMAJ. 2021 Jan 25;193(4): E124. doi: 10.1503/cmaj.201212. PMID: 33667181; PMCID: PMC7954563.
2. American College of Obstetricians and Gynecologists. The Rh factor: how it can affect your pregnancy.
3. De Winter DP, Hulzebos C, Van 't Oever RM, De Haas M, Verweij EJ, Lopriore E. History and current standard of postnatal management in hemolytic disease of the fetus and newborn. Eur J Pediatr. 2023;182(2):489-500. doi:10.1007/s00431-022-04724-0
4. Kedrion Biopharma Inc. RhoGAM FAQs.
 
CN. Phạm Thị Tuyết Minh, BSCKI. Nguyễn Ngọc Sang, BSCKII. Lâm Trần Hoà Chương 

TIN KHÁC