50 NĂM HÌNH THÀNH - PHÁT TRIỂN - HỘI NHẬP QUỐC TẾ 35 NĂM THÀNH LẬP KHỐI KHÁM CHỮA BỆNH 30 NĂM GHÉP TẾ BÀO GỐC TẠO MÁU
Năm 2025 đánh dấu một mốc son đặc biệt - 50 năm hình thành và phát triển của Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học TP. Hồ Chí Minh (1975 - 2025). Đây không chỉ là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại một chặng đường vẻ vang đã qua, nửa thế kỷ bền bỉ phấn đấu, cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Và là thời khắc để tri ân những người đã góp phần làm nên tên tuổi và vị thế của bệnh viện hôm nay.
Từ những ngày đầu gian khó sau năm 1975, với biết bao thử thách và thiếu thốn, đến hôm nay, Bệnh viện đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, trở thành một trong những đơn vị đầu ngành về truyền máu và huyết học của Việt nam, ghi dấu bằng những bước tiến vượt bậc về chuyên môn, khoa học kỹ thuật và chất lượng phục vụ.
50 năm - một hành trình không chỉ được viết nên bằng thành tựu, mà còn là câu chuyện của biết bao thế hệ thầy thuốc tận tâm, của những bàn tay thầm lặng, của ý chí vươn lên và khát vọng phục vụ cộng đồng.
PHẦN I: GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH VÀ ỔN ĐỊNH (1975–1990)
Tháng 5 năm 1975, ngay sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Bác sĩ Trần Văn Bé được Bộ Y tế – Thương binh – Xã hội Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam phân công tiếp quản Viện Truyền Máu Quốc gia (Sài Gòn cũ), tọa lạc tại số 118 Hùng Vương, Quận 5. Với tên gọi mới là Viện Truyền Máu, đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng yếu: tiếp nhận máu, điều chế và phân phối cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Và bổ nhiệm BS Trần Văn Bé làm Giám đốc điều hành.
Những ngày đầu ấy, tập thể chỉ vỏn vẹn 36 người, gồm 01 bác sĩ và 04 dược sĩ, nhưng tinh thần đoàn kết và ý chí phục vụ sức khỏe nhân dân luôn rực cháy. Đến cuối năm 1975, số nhân sự tăng lên 79 người – đánh dấu bước chuyển mình ban đầu cho một hành trình dài phía trước.
Năm 1976, Viện Truyền Máu chính thức được giao cho Sở Y tế TP.HCM quản lý. Đến năm 1979, đơn vị được đổi tên thành Trung tâm Truyền máu – Huyết học TP.HCM (TT.TMHH), khẳng định rõ hơn vai trò chuyên môn trong cả hai lĩnh vực truyền máu và huyết học.
Trong giai đoạn từ 1975 - 1990, bốn nhiệm vụ chính của Trung tâm là: (1) tiếp nhận máu toàn phần, điều chế các chế phẩm máu để cung cấp cho các cơ sở điều trị tại Tp.HCM; (2) Thực hiện các xét nghiệm tế bào học, đông máu, miễn dịch, sinh hóa để sàng lọc máu, chẩn đoán và điều tri; (3) Kết hợp với các bệnh viện khác để điều trị các bệnh lý về máu, bao gồm: BV Chợ Quán (BV Nhiệt Đới), BV Quảng Đông (BV Nguyễn Tri Phương), BV Triều Châu (BV An Bình), BV Trưng Vương, BV Nhân Dân 115,…; (4) Là cơ sở giảng dạy cho trường Đại học Y Dược TP và Học viện Quân y phía Nam.
PHẦN II: PHÁT TRIỂN LÂM SÀNG VÀ ĐỊNH HÌNH CHUYÊN SÂU (1990–2000)
Ngày 12/5/1990, Trung tâm Truyền máu – Huyết học đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi chính thức thành lập Khu Lâm Sàng điều trị các bệnh lý về máu tại chỗ, với quy mô 30 giường bệnh. Đội ngũ ban đầu gồm 06 bác sĩ, 10 điều dưỡng và 04 hộ lý, tận tâm chăm sóc những bệnh nhân vốn đang chịu nhiều tổn thương thể chất lẫn tinh thần.
Với tầm nhìn chiến lược, Ban lãnh đạo bệnh viện định hướng phát triển theo hướng điều trị chuyên sâu, đặc biệt là triển khai các phác đồ hóa trị liệu liều cao và tiến tới ghép tủy xương – phương pháp điều trị tiên tiến cho các bệnh lý huyết học ác tính.
Năm 1995, sau quá trình chuẩn bị công phu và học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển như Nhật Bản, Đài Loan, Trung tâm đã thực hiện thành công ca ghép tủy xương đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 15/7/1995. Đây là cột mốc mang tính lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới cho y học nước nhà.
PHẦN III: MỞ RỘNG QUY MÔ VÀ CHUYỂN ĐỔI THÀNH BỆNH VIỆN (2001–2010)
Năm 2001, Trung tâm đi đầu cả nước khi thành lập Ngân hàng máu cuống rốn đầu tiên tại Việt Nam, lưu trữ tế bào gốc tạo máu để điều trị các bệnh lý máu ác tính và di truyền.
Năm 2002, đơn vị chính thức mang tên gọi mới: Bệnh viện Truyền Máu - Huyết Học (BV.TMHH), đánh dấu sự trưởng thành toàn diện về chức năng và quy mô hoạt động. đến năm 2009, BV.TMHH được xếp Hạng II.
Dưới sự lãnh đạo của TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh (giai đoạn 2004–2012), bệnh viện tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực kỹ thuật cao: Di truyền học phân tử, Dấu ấn miễn dịch, Giải phẫu bệnh… Đồng thời, cơ sở vật chất được nâng cấp với hai cơ sở: 118 Hùng Vương (Quận 5) và 201 Phạm Viết Chánh (Quận 1).
Đến năm 2010, cùng với sự phát triển của xã hội, của khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, BV.TMHH đã dần lớn mạnh và mở rộng. Các khối chuyên môn được hình thành đồng bộ:
- Khối Ngân hàng máu: gồm có 03 khoa: Tiếp nhận hiến máu, Sàng lọc máu, Điều chế cấp phát, tổ Quản lý chất lượng (là tiền thân của phòng Quản lý chất lượng).
- Khối Điều trị: đã phát triển thành 6 khoa (2 khoa nhi, 2 khoa người lớn, khoa ghép TBG, khoa khám bệnh và khoa HSCC).
- Khối Cận lâm sàng: hệ thống gồm 5 khoa xét nghiệm chuyên biệt: khoa Huyết sinh học, khoa Miễn dịch, khoa Di truyền học phân tử, khoa Giải phẫu bệnh và khoa Sàng lọc máu. Bên cạnh đó còn có khoa Dược, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bộ phận chẩn đoán hình ảnh.
- Ngân hàng Tế bào gốc: tiền thân là Ngân hàng Máu cuống rốn đã được thành lập theo Quyết định số 2352/QĐ-BYT ngày 5/7/2012.
- Khối phòng Chức năng: bao gồm 07 phòng đó là Kế hoạch tổng hợp, Tài chánh kế toán, Hành chánh quản trị, Tổ chức cán bộ, Điều dưỡng, Vật tư trang thiết bị, Quản lý chất lượng.
Bệnh viện đã phục vụ trung bình 300 lượt khám/ngày, và hơn 150 giường nội trú, triển khai mô hình truyền máu trong ngày tiên phong tại Việt Nam.
Đặc biệt, từ năm 2005, bệnh viện đầu tư ứng dụng CNTT vào quản lý hồ sơ bệnh án, đến 2010 đã vận hành liên thông toàn hệ thống: từ tiếp nhận, xét nghiệm, dược, tài chính cho tới lưu trữ hồ sơ. Điều này giúp bác sĩ có thể truy cập mọi thông tin tại mọi điểm tiếp xúc, hướng tới mô hình bệnh án điện tử.
PHẦN IV: CHUẨN HÓA – VƯƠN TẦM QUỐC TẾ ( (2010–2025)
Thập niên 2010 là giai đoạn bệnh viện bước vào hiện đại hóa toàn diện, cả về quản lý, chuyên môn và công nghệ.
Năm 2012, BS.CKII Phù Chí Dũng được bổ nhiệm Giám đốc bệnh viện. Với tâm huyết và tầm nhìn quốc tế, ông tiếp tục đưa bệnh viện tiến xa hơn trong điều trị, đào tạo và hội nhập.
Năm 2013, bệnh viện thực hiện thành công ca ghép nửa thuận hợp HLA (gọi tắt là ghép Haplo) đầu tiên tại Việt Nam – được xem là đỉnh cao trong kỹ thuật ghép tế bào gốc.
Năm 2014, bệnh viện được công nhận đạt chứng chỉ ISO 9001:2008 toàn diện trong cả 5 lĩnh vực (100% khoa phòng đạt), và hướng tới các chuẩn quốc tế như ISO 15189, GMP Châu Âu, EuroCord/NetCord.
Cùng năm, bệnh viện được xếp vào nhóm bệnh viện Hạng I, trở thành đơn vị chỉ đạo tuyến khu vực phía Nam trong chuyên ngành huyết học.
Do số lượng bệnh nhân ngoại trú tăng dần (400–500 lượt/ngày), trong khi diện tích chật hẹp, bệnh viện đã tổ chức khu truyền máu và điều trị trong ngày, chuyên biệt cho các bệnh lý mạn tính như Thalassemia, Hemophilia và các bệnh máu ác tính sử dụng các phác đồ giảm nhẹ. Điều này đã giúp giảm áp lực của khu vực nội trú, cũng như đã được sự đồng tình của người bệnh vì giúp giảm bớt thủ tục và tiết kiệm được chi phí, thời gian nằm viện. Khối điều trị được chuyên sâu hóa: mỗi nhóm bệnh có một nhóm bác sĩ phụ trách riêng, giúp cập nhật kịp thời những tiến bộ trên thế giới về chẩn đoán và điều trị nhằm nâng cao chất lượng điều trị liên tục.
Việc hợp tác chặc chẽ giữa các bác sĩ điều trị và các bác sĩ xét nghiệm đã đưa đến việc nâng cao hiệu quả của việc chẩn đoán và theo dõi điều trị. BV.TMHH là một trong những bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu về việc theo dõi tồn lưu tế bào ác tính, đánh giá lui bệnh và tiên lượng tái phát sớm bằng các xét nghiệm: Dấu ấn miễn dịch tế bào và Di truyền sinh học phân tử.
Bệnh viện đã tổ chức thực hiện đào tạo và chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên sâu đến các bệnh viện khắp Việt Nam trong suốt 20 năm qua: từ các xét nghiệm cơ bản trong truyền máu; sàng lọc máu; đến các xét nghiệm kỹ thuật cao chẩn đoán và điều trị ung thư máu (như dấu án miễn dịch và di truyền học phân tử); kể cả kỹ thuật ghép tế bào gốc (cho các bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Ung thư Đà Nẵng,…); hoạt động Ngân hàng máu; mô hình truyền máu an toàn cho các quận/huyện;…. Và nơi thực tập cho hàng ngàn sinh viên y khoa mỗi năm từ các trường đại học.
Năm 2019, Ngân hàng máu của bệnh viện đạt được chứng nhận Thực hành sản xuất tốt - GMP Châu Âu sau nhiều năm phấn đấu. Đã mở ra cơ hội hội nhập quốc tế toàn diện trong lĩnh vực Ngân hàng máu.
Tháng 1 năm 2025, khối khám chữa bệnh của bệnh viện vinh dự là bệnh viện công lập đầu tiên tại Việt Nam đạt được “Con dấu vàng Chất lượng - JCI”, một trong những chứng nhận chất lượng hàng đầu quốc tế về chất lượng bệnh viện & an toàn người bệnh. Tập thể bệnh viện luôn mong muốn trở thành một bệnh viện hiện đại, nơi có thể nâng tầm chất lượng điều trị, phục vụ người bệnh nhân một cách toàn diện, nhân văn và bền vững.
KẾT LUẬN
Nửa thế kỷ đã trôi qua – 50 năm của bao thế hệ cán bộ y tế tận tụy, của khát vọng phát triển không ngừng nghỉ, và của những dấu son ghi tên mình vào lịch sử ngành Huyết học – Truyền Máu Việt Nam.
Tự hào về những gì đã đạt được, Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học TP.HCM sẽ tiếp tục vững bước trên hành trình phụng sự cộng đồng, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế và lan tỏa giá trị nhân văn cao quý của nghề y.
BAN GIÁM ĐỐC
BỆNH VIỆN TRUYỀN MÁU – HUYẾT HỌC