BỆNH VIỆN
TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC

HỌP MẶT NGƯỜI BỆNH GHÉP TẾ BÀO GỐC LẦN THỨ 2

Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh ghép tế bào gốc tạo máu, nâng cao sự cộng tác về việc chữa trị sau ghép và hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc cho người bệnh sau ghép tế bào gốc, sáng ngày 15/7, Bệnh viện Truyền máu Huyết học (BV TMHH) tổ chức buổi họp mặt người bệnh ghép tế bào gốc.

 
 

      Đây là lần thứ 2 Bệnh viện Truyền máu - Huyết học tổ chức họp mặt bệnh nhân ghép tế bào gốc. Tại buổi họp mặt, người bệnh và thân nhân người bệnh đã được nghe các bác sĩ chia sẻ về những vấn đề cần lưu ý sau ghép tế bào gốc tạo máu cũng như cách chăm sóc người bệnh sau ghép tế bào gốc.

 

Ghép tế bào gốc là một kỹ thuật cao trong điều trị bệnh bệnh lý máu ác tính. Phương pháp này dùng để điều trị cho các bệnh lý huyết học như bệnh đa u tủy, bệnh lymphoma, bệnh bạch cầu cấp, bạch cầu mãn, suy tủy, loạn sinh tủy, thalassemia, lymphoma….ghép tế bào gốc đã giúp cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý máu ác tính có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường.

Hình 1: Nguyên tắc dị ghép tế bào gốc

 

Hình 2: Quy trình dị ghép tế bào gốc

 

Phát biểu tại buổi họp mặt, BS CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc BV TMHH cho biết: Tại TP.HCM, năm 1995, BV TMHH Thành phố đã thực hiện thành công trường hợp ghép tế bào gốc từ tủy xương đầu tiên ở Việt Nam. Cho đến nay bệnh nhân đã hoàn toàn khỏi hẳn bệnh và có cuộc sống bình thường. Tiếp đó, BV cũng đã đi đầu cả nước thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc máu ngoại vi, ghép tế bào gốc máu cuống rốn, ghép tế bào gốc nửa thuận hợp HLA, ghép tế bào gốc trên bệnh nhân bị u nguyên bào thần kinh.

 

Tính đến nay, BV TMHH đã thực hiện ghép tế bào gốc cho 240 bệnh nhân, kết quả thu được rất khả quan, tỷ lệ sống không biến cố 5 năm là 45%, tỷ lệ sống còn 5 năm là 50%. Kết quả này tương đương với các nước trong khu vực và thế giới. Thành công của phương pháp điều trị bằng ghép tế bào gốc mang một ý nghĩa xã hội to lớn, giúp cho nhiều gia đình có người thân mắc bệnh máu nan y không cần ra nước ngoài để ghép mà có thể điều trị trong nước và trở thành người khoẻ mạnh, sinh hoạt bình thường, tiếp tục lao động đóng góp cho xã hội.

 

Ngoài ra, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học là bệnh viện đầu tiên cả nước hợp tác với Ngân hàng Tế bào gốc lớn nhất Châu Á với hơn 400.000 người sẵn sàng cho tế bào gốc để ghép cho những trường hợp dị ghép do không tìm được tế bào gốc tương thích từ gia đình.

Hình 3: Kết quả ghép tại BV. Truyền máu – Huyết học

 

TS.BS Huỳnh Văn Mẫn (Trưởng Khoa Ghép tế bào gốc) trình bày để có một ca ghép được thành công không dừng lại ở kỹ thuật ghép mà nó còn phụ thuộc quá trình theo dõi và tuân thủ một số quy trình điều trị, chăm sóc tại bệnh viện cũng như ở cộng đồng gia đình.

 

Sau ghép tế bào gốc bệnh nhân có thể gặp các phản ứng mô ghép chống chủ (GVHD) gây các biến chứng sớm như nôn ói, chán ăn, mệt mỏi, tiêu chảy, nhiễm siêu vi, xuất huyết, viêm gan...Để phòng ngừa, bệnh nhân nên mặc quần áo dài tay, đeo khẩu trang, kiếng mát, thoa kem chống nắng khi ra ngoài, vận động nhẹ nhàng, không đi bơi hoặc ngâm lâu trong bồn tắm; tránh đến những nơi đông người, nếu bắt buộc giao tiếp phải giữ khoảng cách an toàn hoặc xin phép đeo khẩu trang; không sử dụng thức ăn mua ở vỉa hè hàng quán không đảm bảo hợp vệ sinh; không sử dụng các loại bia rượu, nước uống có độ cồn và thức ăn tái chín; hạn chế tiếp xúc với những người có biểu hiện sốt, ho, cảm cúm hắt hơi; ăn thức ăn chín, giàu dinh dưỡng có nguồn gốc rõ ràng...vì vậy, sau khi xuất viện về nhà, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, theo dõi sức khỏe sát sao và tái khám theo đúng lịch hẹn hoặc khi có dấu hiệu bất thường.

 

Đồng thời, qua buổi “ Họp mặt người bệnh ghép tế bào gốc” , bệnh viện Truyền máu – Huyết học còn hướng dẫn đến người bệnh các kỹ thuật chăm sóc và theo dõi sau khi xuất viện bằng “Ống sonde TMTW” với những điều kiện cơ bản như:

  • Tham gia lớp thực hành chăm sóc ống sonde Hickman do bệnh viện hướng dẫn (đăng ký trực tiếp tại Khoa Ghép tế bào gốc)
  • Biết các bước rửa tay, mang găng vô trùng và làm đúng quy trình
  • Thực hiện đúng thao tác vô khuẩn trong quy trình thay băng ống sonde Hickman

Hình 4: Lớp thực hành chăm sóc ống sonde Hickman do bệnh viện hướng dẫn

 

Một số hình ảnh buổi họp mặt:

Hình 5: BS.CKII Phù Chí Dũng – Giám đốc Bệnh viện phát biểu khai mạc

 

Hình 6: TS.BS Huỳnh Văn Mẫn – Trưởng khoa Ghép giới thiệu hoạt động Ghép tế bào gốc tại bệnh viện

 
 Hình 7: Tư vấn giải đáp giữa lãnh đạo bệnh viện và người bệnh

Hình 8: Người bệnh đặt câu hỏi đến lãnh đạo bệnh viện

TIN KHÁC