BỆNH VIỆN
TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ THIẾU YẾU TỐ XII

      1. Đại cương

   Thiếu yếu tố XII là một rối loạn đông máu di truyền hiếm gặp, bệnh gây ra sự đông máu kéo dài trên xét nghiệm nhưng trên lâm sàng không có xu hướng chảy máu kéo dài. Bệnh được gây ra bởi sự thiếu hụt yếu tố XII (yếu tố Hageman), một protein huyết tương.

   Yếu tố XII là yếu tố đông máu. Các yếu tố đông máu là những protein chuyên biệt rất cần thiết cho một quá trình đông cầm máu, là quá trình để các thành phần máu kết dính lại với nhau tại vị trí vết thương để ngăn chảy máu.

   Mặc dù, người ta cho rằng yếu tố XII cần thiết cho quá trình đông máu; tuy nhiên khi thiếu yếu tố XII, các yếu tố đông máu khác bù trừ cho sự vắng mặt của yếu tố này. Vì vậy, rối loạn này được cho là lành tính và thường không có triệu chứng; bệnh này chỉ được phát hiện tình cờ bằng các xét nghiệm tiền phẫu được yêu cầu bởi bệnh viện.

 
 

   Sơ đồ dòng thác đông máu

   Sự thiếu hụt yếu tố XII được mô tả lần đầu trong y văn vào năm 1955 bởi 2 bác sĩ là Oscar Ratnoff và Jane Colopy và ở một bệnh nhân tên là John Hageman. Các rối loạn này đôi khi được gọi là thiếu yếu tố Hageman hoặc Hageman trait.

   2. Dấu hiệu và triệu chứng

   Thiếu hụt yếu tố XII hiếm khi đi kèm với bất thường triệu chứng nào hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên khi máu bệnh nhân được thực hiện xét nghiệm aPTT (a partial thromboplastin time) có thời gian đông máu kéo dài hơn bình thường, nhưng thời gian PT (Prothrombin) bình thường. Nồng độ yếu tố XII trong máu có thể giảm.

   Theo một số báo cáo y văn trước đây, sự thiếu hụt yếu tố XII có thể làm cho bệnh nhân dễ tạo cục máu đông lúc còn trẻ. Người ta nhận thấy rằng, một vài người có thể có nguy cơ cao hơn dân số chung bị huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc rối loạn đông máu mắc phải. Tuy nhiên sự kết hợp này vẫn chưa được chứng minh.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu các loại thuốc để ức chế yếu tố XII như là một điều trị tiềm năng cho những người dễ bị cục máu đông. Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định vai trò chính xác của yếu tố XII trong việc phát triển và ngăn ngừa cục máu đông và các chức năng chung của nó trong cơ thể.

   Cũng có một số báo cáo trong y văn gợi ý sự kết hơp giữa sự thiếu hụt yếu tố XII và sảy thai nhiều lần không giải thích được ở một số phụ nữ. Tuy nhiên, sự kết hợp này vẫn còn gây tranh cãi, và chưa được chứng minh.

   3. Nguyên nhân

   Thiếu yếu tố XII được di truyền trên nhiễm sắc thể thường tính lặn. Bệnh di truyền được xác định bởi 2 gen, một gen nhận từ cha, một gen nhận từ mẹ.

   Bệnh di truyền tính lặn xảy ra khi một người nhận gen bất thường giống nhau từ cả hai bố và mẹ. Nếu một người nhận một gen bình thường và một gen bệnh thì người đó là người lành mang bệnh, nhưng thường sẽ không có triệu chứng. Nguy cơ của hai người cha mẹ mang bệnh chuyển gen bệnh và sinh con có bệnh là 25% mỗi thai kỳ. Nguy cơ có con là người lành mang bệnh giống như cha mẹ là 50% ở mỗi thai kỳ. Xác suất một đứa trẻ nhận cả hai gen bình thường từ cha mẹ là bình thường về mặt di truyền là 25%. Nguy cơ này giống nhau ở cả nam và nữ.

   Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng sự thiếu hụt yếu tố XII xảy ra là do đột biến của gen F12 nằm trên nhánh dài của nhiễm sắc thể số 5 (5q33). Các nhiễm sắc thể mà nó hiện diện trong nhân tế bào, mang thông tin di truyền cho mỗi cá nhân. Các cặp nhiễm sắc thể người được đánh số từ 1 đến 22 và cặp nhiễm sắc thể giới tính 23 có 1 nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y ở nam, và hai nhiễm sắc thể X ở nữ. Mỗi nhiễm sắc thể có một nhánh ngắn gọi là p và một nhánh dài gọi là q. Các nhiễm sắc thể được chia nhỏ thành nhiều đoạn được đánh số. Ví dụ, nhiễm sắc thể 5q33 có nghĩa là đoạn 33 trên nhánh dài nhiễm sắc thể số 5. Các đoạn được đánh số định vị chuyên biệt hàng nghìn gen mà nó hiện diện trên mỗi nhiễm sắc thể.

Gen F12 tạo ra (mã hóa) yếu tố XII, là một yếu tố đông máu. Các đột biến gen F12 dẫn tới nồng độ thấp của yếu tố XII có chức năng trong máu có thể nhỏ hơn 1 %.

   Vai trò chính xác của yếu tố XII trong quá trình đông máu và các tác dụng khác của nó trên cơ thể thì không được hiểu một cách đầy đủ. Ngoài quá trình đông máu, yếu tố XII còn được cho là đóng vai trò trong sửa chữa mô và tạo mạch máu.

   4. Dân số bị ảnh hưởng.

   Thiếu hụt yếu tố XII ảnh hưởng đến những người gốc Á hơn những người thuộc chủng tộc khác

   Tỉ lệ nam và nữ bị ảnh hưởng tương đương nhau bởi vì thiếu hụt yếu tố XII thường không có triệu chứng, một số người vẫn không được chẩn đoán. Tỉ lệ mới mắc chính xác của bệnh này trong dân số là không rõ, nhưng ước tính khoảng 1/1000000 dân.

   5. Chẩn đoán

   Thiếu hụt yếu tố XII thường phát hiện tình cờ khi làm xét nghiệm đông máu thường quy trước khi phẫu thuật. Ở người bị bệnh, xét nghiệm aPTT này có thời gian đông máu kéo dài hơn. Các xét nghiệm khác sâu hơn có thể cho thấy nồng độ thấp của yếu tố XII trong máu.

   6. Xét nghiệm lâm sàng.

   Chẩn đoán thiếu yếu tố XII có thể bị nghi ngờ khi trên lâm sàng bệnh nhận không có biểu hiện lâm sàng hoặc không có rối loạn chảy máu trước đó nhưng xét nghiệm aPTT kéo dài còn PT bình thường.

   Khi người có kết quả bất thường aPTT nhưng PT bình thường mà không có triệu chứng chảy máu khi đó có thể sàng lọc tìm bệnh hội chứng kháng phospholipid. Một xét nghiệm sẽ được tiến hành để phát hiện một chất ức chế đặc hiệu là lupus anticoagulant, xuất hiện ở những người mắc hội chứng kháng phospholipid mắc phải và có thể gây ra xét nghiệm aPTT kết quả bất thường tương tự

Sự thiếu hụt yếu tố XII được xác định bởi xét nghiệm gọi là định lượng yếu tố XII, một xét nghiệm mà nó đo lường hoạt tính yếu tố đông máu XII. Nó có thể cho thấy thiếu hụt yếu tố XII.

   7. Điều trị

   Điều trị bất thường này thường không cần thiết vì bất thường chảy máu này chỉ nhẹ hoặc không có trên lâm sàng.

   TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bick RL. Disorders of Thrombosis and Hemostasis 3rd ed. Lippincott Williams and Wilkins. Philadelphia, PA; 2002: 126

2. Colman RW. Factor XII deficiency. NORD Guide to Rare Disorders. Lippincott William and Wolkins. Philadelphia, PA. 2003: 382-383.

3. Hoffman R, et al., eds. Hematology Basic Principles, NY Churchill-Livingstone, Inc; 1995: 1581-83, 1699

4. Muller F, Gailani D, Renne T. Factor XI and XII as antithrombotic targets. Curr Opin Hematol. 2011; 18:349-355

5. Pham M, Stoll G, Niveswandt b, Bendszus M, Kleinschnitz C. Blood coagulation factor XII – a neglected playerin stroke pathophysiology. J Mol Med (Berl). 2012; 90:119-126

6. Schmaier AH, Larusch G. Factor XII: a new life for an old protein. Thromb Haemost. 2010; 104; 915-918

7. Schmaier AH. The elusive physiologic role of factor XII. J Clin Invest. 2008; 108:3006-3009

8. Stayrou E, Schmaier AH Factor XII: what does it contribute to our understanding of the physiology and pathophysiology of hemostasis and thrombosis. Thromb Res. 2010; 125; 210-215

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

aPTT : a partial thromboplastin time

PT: Prothrombin

 
KHOA KHÁM BỆNH 

TIN KHÁC