Nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng kháng sinh làm giảm chất lượng điều trị và gia tăng gánh nặng của hệ thống y tế: Kéo dài thời gian nằm viện, gia tăng thương tật, gia tăng việc sử dụng các dịch vụ y tế, gia tăng thêm chi phí điều trị và gia tăng tỷ lệ tử vong. Bộ Y tế cũng rất nổ lực trong việc đề ra các phương pháp nhằm ngăn chặn các vấn đề về đề kháng kháng sinh thông qua các kế hoạch quốc gia phòng chống kháng thuốc, nhằm hạn chế, phòng ngừa việc đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và đặc biệt loại bỏ hoàn toàn các vi khuẩn đa kháng kháng sinh.
Những tác nhân gây nhiễm khuẩn đang trở thành mối đe dọa của toàn cầu như Acinetobacter đa kháng, Enterobacteriaceae tiết ESBL, Enterococcus kháng vancomycin, Pseudomonas aeruginosa đa kháng, tụ cầu vàng kháng Methicillin. Theo báo cáo của trung tâm phòng chống bệnh tật Châu Âu. Hàng năm ở Châu Âu có trên 25.000 bệnh nhân chết vì nhiễm phải vi khuẩn đa kháng thuốc. Các vi khuẩn kháng thuốc như MRSA, vi khuẩn tiết ESBL… tăng lên rõ rệt hằng năm.
Nhân viên y tế, người nhà người bệnh, người bệnh là người lành mang mầm bệnh hoặc người bệnh nhiễm khuẩn với các tác nhân gây nhiễm khuẩn đa kháng là những nguồn lây cho những người bệnh khác và môi trường bệnh viện. Kiểm soát lây lan vi khuẩn đa kháng qua tay của nhân viên y tế, những người chăm sóc và điều trị cho người bệnh, qua môi trường và thiết bị bị nhiễm, bao gồm việc phát hiện sớm, cách ly và báo cáo các trường hợp người bệnh nhiễm vi khuẩn đa kháng kháng sinh là những biện pháp quan trọng để tránh lây lan.
Vào ngày 13/4/2017 khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Truyền máu – Huyết học đã tổ chức lớp tập huấn về quy trình cách ly người bệnh nhiễm vi khuẩn đa kháng kháng sinh, với sự có mặt đông đủ thành viên Hội đồng và Mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn. Buổi tập huấn đã diễn ra trong không khí sôi nổi, với sự tương tác giữa người trình bày và các thành viên tham dự, việc trả lời đầy đủ và thỏa đáng các câu hỏi thắc mắc của các thành viên tham dự nên đã đem lại những hiệu quả thiết thực, đầu tiên là các bài kiểm tra sau tập huấn đều đạt kết quả tốt, kế đến các khoa/phòng thực hiện tốt việc chủ động cách ly người bệnh nhiễm vi khuẩn đa kháng. Nội dung tập bao gồm:
Phòng ngừa qua tiếp xúc:
Lây truyền qua tiếp xúc xảy ra do sự tiếp xúc giữa da và da có sự truyền vi sinh vật từ người bệnh này sang người bệnh khác hay từ nhân viên y tế qua tiếp xúc về mặt vật lý. Đối với các trường hợp nhiễm vi khuẩn đa kháng kháng sinh như Escherichia coli, Acinetobacter baumannii, Staphylocococcus aureus…
1. Cho người bệnh nằm phòng riêng. Nếu không có phòng riêng, xếp người bệnh cùng phòng với tác nhân gây bệnh.
2. Trước khi vào phòng bệnh phải mang bao giày, rửa tay, nón trùm kín tóc, mặc áo choàng.
3. Mang găng tay sạch trong quá trình chăm sóc người bệnh và cần thay găng ngay sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc vật dụng xung quanh người bệnh.
4. Tháo bỏ găng, bao giày, áo choàng (bỏ vào túi riêng) vào túi nilon vàng rồi buộc chặt miệng túi trước khi bỏ vào thùng rác hoặc trước khi gửi cho nhà giặt.
5. Hạn chế tối đa việc vận chuyển người bệnh, nếu cần phải vận chuyển cần tránh cho người bệnh tiếp xúc với các vật dụng khác (cho người bệnh mặc áo choàng, nón trùm kín tóc, bao giày).
6. Thiết bị chắm sóc người bệnh nên sử dụng một lần. Nếu các vật dụng cần sử dụng lại cần phải làm sạch và khử - tiệt khuẩn.
Phòng ngừa qua đường giọt bắn – giọt bắn:
Lây truyền qua không khí xảy ra do sự lây lan những giọt nước trong không khí chứa tác nhân nhiễm khuẩn phát sinh ra khi người bệnh ho, hay hắt hơi hoặc khi nói chuyện. Đối với các loại vi khuẩn gây đa kháng kháng sinh như viêm phổi do Mycoplasma spp, viêm phổi do Acinetobacter baumannii, Staphylococcus aureus, viêm phổi do Streptococcus spp…
1. Cho người bệnh nằm phòng cách ly áp lực âm hoặc phòng riêng.
2. Giữ cửa đóng: Trước khi vào phòng bệnh phải mang bao giày, rửa tay, nón trùm kín tóc, mặc áo choàng.
3. Mang găng tay sạch trong quá trình chăm sóc người bệnh và cần thay găng ngay sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc vật dụng xung quanh người bệnh.
4. Tháo bỏ khẩu trang, nón, áo choàng, bao giày (bỏ vào túi riêng) vào túi nilon vàng rồi buộc chặt miệng túi trước khi bỏ vào thùng rác hoặc trước khi gửi cho nhà giặt.
5. Hạn chế tối đa việc vận chuyển người bệnh, nếu cần phải vận chuyển thì cho người bệnh đeo khẩu trang, nón trùm kín tóc, mặc áo choàng, bao giày.
6. Thiết bị chắm sóc người bệnh nên sử dụng một lần. Nếu các vật dụng cần sử dụng lại cần phải làm sạch và khử - tiệt khuẩn.
Một số hình ảnh buổi tập huấn:
Hình 1: TS. BS. Trương Thị Kim Dung (Phó Giám đốc bệnh viện) phát biểu khai mạc buổi tập huấn.
Hình 2: TS. BS. Nguyễn Thị Thanh Hà (Phó chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Nhi đồng 1) trình bày buổi tập huấn.
Hình 3: Nhân viên tham dự thảo luận bài làm nhóm.
Hình 4: Đại diện nhóm lên thuyết trình.
Hình 5: Ban tổ chức tặng hoa và chụp hình lưu niệm với giảng viên.
KHOA KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN