HƯỚNG DẪN XỬ TRÍ KHI CÓ PHẢN ỨNG CHOÁNG SAU KHI HIẾN MÁU/ TIỂU CẦU
Hiến máu tình nguyện là một nghĩa cử cao đẹp cần được lan tỏa trong cộng đồng. Mỗi năm có hàng triệu người được cứu sống nhờ vào những chế phẩm máu có được qua công tác hiến máu tình nguyện. Để có thể hiến máu, người hiến máu sẽ trải qua quy trình chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn.
Nếu trong quá trình hiến, người hiến có triệu chứng bất thường như chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi,… đều sẽ được nhân viên y tế phát hiện và chăm sóc. Sau khi hiến máu xong, người hiến sẽ được nhân viên theo dõi, đảm bảo người hiến ổn mới cho phép ra về. Tuy nhiên không phải lúc nào các phản ứng hiến máu cũng xảy ra vào lúc hiến hoặc ngay sau khi hiến, đôi khi các phản ứng đến muộn sau khi người hiến đã rời khỏi địa điểm hiến máu.
Nếu SAU KHI HIẾN MÁU/ TIỂU CẦU CẢM THẤY CHÓNG MẶT, MỆT VÀ BỦN RỦN TAY CHÂN khi không có nhân viên y tế bên cạnh, bạn cần XỬ TRÍ NHƯ SAU:
1. Lập tức ngồi xuống, nếu thuận tiện, người hiến nên nằm xuống, giữ chân cao hơn đầu, đầu nghiêng sang bên.
2. Không hoảng hốt, mà cần duy trì hơi thở đều đặn, hít sâu thở chậm.
3. Nới lỏng những quần áo quá chật. Nếu ở nhà, người hiến nên nhờ người than hỗ trợ mở cửa sổ, mở quạt duy trì không khí thoáng đãng.
4. Sau khi triệu chứng đã giảm, người hiến nên uống nước đường, ăn nhẹ.
5. Nếu sau 15-20 phút mà các triệu chứng không giảm hoặc nặng lên, người hiến nên được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi.
Nhằm HẠN CHẾ TỐI ĐA KHẢ NĂNG XẢY RA PHẢN ỨNG HIẾN MÁU, nhất là các phản ứng muộn, người hiến cần:
Tuân thủ chế độ sinh hoạt trước khi hiến máu như: ngủ sớm, ngủ đủ giấc, ăn nhẹ 30 phút trước khi hiến máu, uống từ 300-500ml nước trước khi hiến.
Sau khi hiến máu, không đứng hay di chuyển nhiều mà nên ngồi tại chỗ tối thiểu 10-15 phút.
Dùng thêm nước, đồ ăn nhẹ sau khi hiến.
Ở lại địa điểm hiến máu ít nhất 20 phút sau khi hiến máu xong, cho dù người hiến cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh.
BS. NGUYỄN THỊ THANH LOAN- KHOA TNHM