THÔNG CÁO BÁO CHÍ LỄ KỶ NIỆM 40 NĂM THÀNH LẬP BỆNH VIỆN TRUYỀN MÁU – HUYẾT HỌC (1975-2015)
Tháng 5/1975, bệnh viện được tiếp quản từ Viện truyền máu Quốc gia (Sài Gòn cũ) đóng tại địa chỉ 118 Hùng Vương (nay là đường Hồng Bàng), P.12 –Q.5 với tên gọi mới là Viện Truyền Máu, tiếp tục nhiệm vụ lấy máu, phân phối, cung cấp cho các bệnh viện thành phố. Nhân sự thuở ban đầu chỉ gồm 36 người (trong đó có 01 bác sĩ và 04 dược sĩ). Từ 1 Trung tâm với qui mô đơn giản: 01 khoa Dự trữ máu, 01 khoa Miễn dịch, 01 khoa Huyết sinh học và 01 khoa điều trị, khoa Dược và các phòng chức năng: Kế hoạch tổng hợp, Hành chánh tổ chức, Quản trị, Kế toán tài vụ. Đến năm 2014, bệnh viện Truyền máu - Huyết học (BV. TMHH) đã có 27 khoa phòng (bao gồm: 7 phòng chức năng, 7 khoa lâm sàng, 6 khoa Xét nghiệm, 2 khoa thuộc ngân hàng máu, ngân hàng Tế bào gốc, khoa Dược, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa Dinh dưỡng) với hơn 450 nhân viên, bệnh viện được xếp hạng I và là đơn vị chỉ đạo tuyến về chuyên khoa Huyết học cho các tỉnh phía Nam.
Cùng với sự phát triển của xã hội, của khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, BV.TMHH đã dần lớn mạnh và mở rộng. Bệnh viện đã xây dựng mới cơ sở 118 Hùng Vương (phường 12, Quận 5) và cải tạo cơ sở 201 Phạm Viết Chánh (phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1) để hình thành được 5 khối: Khối Ngân hàng máu; Khối Điều trị; Khối Cận lâm sàng; Ngân hàng Tế bào gốc; Khối phòng Chức năng.
Bốn mươi năm qua, BV. TMHH đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong quá trình theo đuổi mục tiêu phát triển của mình dù cơ sở vật chất còn rất nhỏ hẹp. Nhưng với tinh thần làm việc hăng say và quyết tâm cao của tập thể ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên chức của bệnh viện qua các thời kỳ, BV. TMHH đã không ngừng vươn lên để trở thành một bệnh viện huyết học hàng đầu trong cả nước. Nhìn lại 40 năm qua, chúng tôi thêm tự hào, cảm phục về thế hệ các thầy, các anh chị đi trước đã tận tâm truyền đạt những kinh nghiệm quí báu cho các thế hệ đàn em, đã đem lại cho BV. TMHH những thành tựu mang đậm đấu ấn trong lịch sử y học nước nhà, sau đây là một số thành tựu trong các thành tự nổi bật của bệnh viện trong 40 năm qua:
1. Lĩnh vực khám chữa bệnh:
1.1 Ghép tế bào gốc tạo máu
- Ngày 15/7/1995, bệnh viện đã triển khai thành công ca ghép tủy xương đầu tiên tại Việt Nam, đặt bền móng cho phương pháp điều trị mới các bệnh lý huyết học tại nước ta;
- Tháng 08/1996 thực hiện ca ghép tế bào gốc máu ngoại vi đầu tiên tại Việt Nam;
- Năm 2002 thực hiện ca ghép tế bào gốc máu cuống rốn đầu tiên tại Việt Nam;
- Năm 2013, BV.TMHH đã lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật ghép nửa thuận hợp HLA (hay còn gọi là ghép Haplo) đầu tiên tại Việt Nam;
- Năm 2015, BV. TMHH phối hợp với bệnh viện Nhi Đồng II thực hiện ca ghép tế bào gốc trên bệnh nhân bị u nguyên bào thần kinh là một trong hai trường hợp đầu tiên tại Việt Nam.
Cho đến nay, BV. TMHH đã thực hiện ghép cho 200 bệnh nhân, kết quả thu được rất khả quan, tỷ lệ sống không biến cố 20 năm là 45%, tỷ lệ sống còn 20 năm là 50%. Kết quả này tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.
1.2 Điều trị trúng đích bệnh Bạch cầu mạn dòng tủy (CML)
- Từ tháng 8/2005, BV. TMHH đã bắt đầu triển khai điều trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy bằng Imatinib (Glivec). Đây cũng là cơ sở triển khai chương trình GIPAP (là tên viết tắt của chương trình hỗ trợ thuốc Glivec cho bệnh nhân không đủ điều kiện kinh tế trên toàn cầu - Glivec® International Patient Assistance Program) đầu tiên tại Việt Nam. Tháng 4/2009, cùng sự hỗ trợ tích cực của bảo hiểm y tế, chương trình VIPAP ra đời dành cho cả những bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế tối thiểu 3 năm liên tiếp.
- Tính đến cuối năm 2014, tổng số bệnh nhân đã sử dụng Glivec là 1043 bệnh nhân (trong chương trình GIPAP là 864 bệnh nhân, và VIPAP là 179 bệnh nhân). Cùng sự hỗ trợ của tổ chức Max Foundation, BV. TMHH là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai chương trình Tasigna-Copay dành cho bệnh nhân không có bảo hiểm y tế và sau này mở rộng thêm cho những trường hợp có bảo hiểm.
Mười năm qua đi từ ngày những trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được hỗ trợ Imatinib, hơn 1500 bệnh nhân bị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML) đã trở về với cuộc sống bình thường, không những làm giảm đi gánh nặng xã hội mà chính họ đã góp tay thêm xây dựng gia đình và cộng đồng tốt đẹp.
1.3 Điều trị bạch cầu cấp dòng lympho trẻ em
Bạch cầu cấp dòng lympho (BCCDL) là bệnh lý ác tính thường gặp nhất ở trẻ em, chiếm khoảng 30% các bệnh ung thư và 75% các bệnh ung thư máu ở trẻ em. Đây là bệnh lý ác tính và gây tử vong cao. Từ những năm 1993, bệnh viện Truyền máu – Huyết học đã áp dụng phác đồ FRALLE – đang được áp dụng tại các nước Châu Âu và trở thành bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam tiến hành hóa trị liệu cho bệnh nhi mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho. Hiện nay, với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, tình hình điều trị bệnh BCCDL ở trẻ em đã đạt được những kết quả khả quan, tỷ lệ lui bệnh sau điều trị tấn công đã tăng lên (khoảng 97.6%), tỷ lệ sống không bệnh sau 5 năm (DFS) cao (80.8%) và tỷ lệ sống toàn bộ sau 5 năm (OS) cũng tăng lên (87.5%). Điều này cho thấy phần lớn các bệnh nhi gần như được chữa khỏi căn bệnh ác tính này. Kết quả này gần tương đương với các kết quả điều trị của một số nước trên thế giới. Đây là một thành tựu nổi bật, không thua kém so với các bệnh viện khác trong cả nước cũng như các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
2. Lĩnh vực Ngân hàng máu:
Được tiếp quản từ năm 1975, Ngân hàng máu - Bệnh viện Truyền máu Huyết học (NHM) đã có chức năng cấp phát máu cho các bệnh viện trong thành phố.
Ngày 02/02/2010, NHM bệnh viện được xây dựng mới và khánh thành đi vào hoạt động với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Hiện nay, NHM bệnh viện là ngân hàng máu lớn nhất cả nước; tổ chức thu thập và tiếp nhận máu từ người hiến máu tình nguyện; điều chế sản xuất, cung cấp máu và các chế phẩm máu cho gần 100 bệnh viện và phòng khám đa khoa trong địa bàn TP. Hồ Chí Minh, hỗ trợ cung cấp cho các tỉnh bạn khi có nhu cầu. Năm 2015, NHM thu nhận 258.639 đơn vị máu, chiếm 22% cả nước (năm 2015 cả nước thu nhận 1.156.649 đơn vị máu), 100% đơn vị máu thu nhận từ người hiến máu tình nguyện; sản xuất và cung cấp 450.599 đơn vị máu và chế phẩm máu cho hơn 100 bệnh viện. NHM – BV.TMHH áp dụng các kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu hiện đại của thế giới như ELISA, hóa phát quang và đặc biệt là kỹ thuật NAT – kỹ thuật hiện đại nhất thế giới trong sàng lọc máu, triển khai áp dụng thường quy kỹ thuật NAT được xem là một bước ngoặt lớn trong sàng lọc máu của bệnh viện, đảm bảo túi máu an toàn, chất lượng hơn.
3. Lĩnh vực Ngân hàng tế bào gốc:
Năm 2001, Ngân hàng TBG – BV. TMHH được chính thức thành lập trực thuộc Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học - Sở Y Tế TP. HCM, là Ngân hàng tế bào gốc đầu tiên tại Việt Nam, với chức năng thu thập, xử lý, lưu trữ, bảo quản TBG phục vụ cho điều trị và nghiên cứu khoa học; xây dựng nguồn tế bào gốc chất lượng cao từ hai nguồn TBG MCR và TBG MNV để phục vục cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tháng 3/2004, Ngân Hàng TBG – BVTMHH đã xứng đáng trở thành thành viên chính thức của Hiệp Hội Ngân Hàng MCR Châu Á - AsiaCord. Năm 2012, Ngân hàng Tế bào gốc thuộc BV. TMHH đã trở thành thành viên của tổ chức EuroCord.
Tính đến nay, Ngân Hàng TBG là ngân hàng TBG lớn nhất của cả nước, xử lý lưu trữ được hơn 3.700 đơn vị MCR, sẵn sàng cung cấp cho những bệnh nhân có nhu cầu ghép TBG. Về mặt thiết bị (hệ thống Bio-Archive hiện đại nhất thế giới), chất lượng, sản phẩm TBG của Ngân Hàng TBG - BV TMHH có thể so sánh được với Ngân Hàng TBG của các nước tiên tiến thế giới.
4. Lĩnh vực Quản lý chất lượng:
Tuy hạn chế về cơ sở vật chất nhưng từ những năm 1999, bệnh viện đã thành lập tổ quản lý chất lượng, là một trong những bệnh viện có đơn vị quản lý chất lượng chuyên trách đầu tiên của cả nước. Năm 2011, bệnh viện thành lập phòng Quản lý chất lượng và sau 2 năm đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng bệnh viện theo ISO 9001:2008. Bên cạnh đó, bệnh viện có chiến lược nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng sự hài lòng người bệnh:
- Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm ISO 15189:2012 cho các lĩnh vực truyền máu, huyết học, đặc biệt huyết học chuyên sâu Di truyền học phân tử, Giải phẫu bệnh, HLA, Vi sinh…;
- Xây dựng tiêu chuẩn GMP Châu Âu (Good Manufacturing Practices) Ngân hàng máu;
- Xây dựng Ngân hàng Tế bào gốc đạt tiêu chuẩn EuroCord, NetCord.
- Đặc biệt, trong 2 năm 2014, 2015 kết quả kiểm tra chất lượng theo tiêu chí của Bộ Y tế bệnh viện đạt hạng 3/22 bệnh viện hạng I của thành phố.
Bên cạnh đó, bệnh viện đã đạt nhiều thành tích khen thưởng của Nhà Nước, Chính Phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Y tế: Huân chương lao động hạng II, III; Bằng khen của Bộ Y tế, Bằng khen của UBND Tp. HCM…
Mỗi tập thể, mỗi cá nhân là cán bộ công nhân viên của BV. TMHH dù ở cương vị, nhiệm vụ, trách nhiệm nào đều đã góp phần không nhỏ, đã chung tay sát cánh cùng nhau trên con đường chinh phục mục tiêu phát triển của bệnh viện Truyền Máu – Huyết học. Bệnh viện luôn ý thức trách nhiệm, luôn luôn giữ vững là lá cờ đầu của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
* Thông tin “Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Bệnh viện Truyền máu – Huyết học (1975-2015)” và đón nhận các danh hiệu khen thưởng cấp Nhà nước.
- Tại: Bệnh viện Truyền máu – Huyết học
Số 118 Hồng Bàng, Phường 12, Quận 5, Tp Hồ Chí Minh
- Thời gian: 8h30 – 12h00 ngày 25/02/2016 (thứ năm)
* Ban tổ chức Hội nghị: Bệnh viện Truyền máu – Huyết học.
* Trưởng Ban: BSCKII. Phù Chí Dũng – Giám đốc bệnh viện
* Hội nghị dự kiến có khoảng hơn 150 đại biểu tham dự tại buổi lễ: Lãnh đạo Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố, Ban thi đua khen thưởng; Bộ Y tế, Sở Y tế; Ban Giám đốc các bệnh viện trên địa bàn Tp Hồ Chí Minh và đại diện các ban ngành khác.
TM. BAN TỔ CHỨC
TRƯỞNG BAN
BS.CKII. PHÙ CHÍ DŨNG