BỆNH VIỆN
TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC

KỸ THUẬT XỬ LÝ, LƯU TRỮ ĐÔNG LẠNH TẾ BÁO GỐC MÁU NGOẠI VI

   Tế bào gốc Máu ngoại vi (TBG MNV) sau khi được thu thập từ người cho (donor) bằng máy chiết tách tế bào tự động (apheresis machine), trừ một số ít trường hợp dùng để truyền ghép ngay cho bệnh nhân (ghép tươi), phần lớn các trường hợp sẽ được nhanh chóng chuyển về cho Ngân hàng tế bào gốc (NHTBG) để thực hiện việc kiểm tra chất lượng và tiến hành xử lý, lưu trữ đông lạnh. Việc lưu trữ đông lạnh là cần thiết vì giúp TBG MNV được “ngủ đông” (hibernate) chờ đến thời điểm thích hợp sẽ rã đông và truyền ghép cho bệnh nhân khi có nhu cầu. Thời gian vận chuyển TBG MNV đến NHTBG và điều kiện bảo quản trên đường vận chuyển một cách chuẩn mực là cần thiết để đảm bảo chất lượng của đơn vị TBG MNV trước khi được đưa vào xử lý. Nhiệt độ bảo quản cho đến khi truyền (trường hợp ghép tươi) hoặc cho đến khi xử lý, lưu trữ đông lạnh là 4-15oC. Sự ổn định nhiệt độ là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo khả năng sống của tế bào.

 

   NHTBG sau khi tiếp nhận đơn vị TBG MNV và các hồ sơ liên quan đi kèm sẽ tiến hành các bước kiểm tra theo quy định, để sau đó tiến hành quá trình xử lý càng sớm càng tốt, đảm bảo không quá 24 - 48 giờ tính từ thời gian kết thúc quy trình thu thập.

 

   Quy trình xử lý TBG MNV được chuẩn hóa và thực hiện bởi các Kỷ thuật viên được đào tạo chuẩn mực và có nhiều kinh nghiệm. Quy trình này được thực hiện trong phòng sạch (clean room) với mức độ an toàn sinh học cấp 2.

 
 

(Hình: Phòng Xử lý TBG)

 

      Đơn vị TBG MNV sẽ được quay ly tâm với lực ly tâm, nhiệt độ ly tâm và thời gian phù hợp để tách bỏ bớt lớp huyết tương nhằm tiết kiệm không gian lưu trữ đông lạnh, sau đó được bơm vào với tốc độ được kiểm soát các hóa chất bảo vệ TBG (cryoprotectants) nhằm giúp TBG đảm bảo sự toàn vẹn trong quá trình được lưu trữ đông lạnh sâu trong Ni-tơ lỏng -196oC và hồi phục khả năng sống và mọc tốt trong vi môi trường (microenvironment) của tủy xương khi cần rã đông để thực hiện việc truyền ghép sau này. Các hóa chất bảo vệ này bao gồm: dung dịch DMSO (Dimethyl Sulfoxide), Human Albumin, Normal Saline 0,9% , . . . được thêm vào túi TBG với liều lượng và tỉ lệ thích hợp. Riêng dung dịch DMSO được cân nhắc kỹ về nồng độ thích hợp trong sản phẩm TBG sau xử lý (thường từ 5 – 10%), vì sau này khi truyền lại cho bệnh nhân, nếu quá liều lượng cho phép, có thể gây các tác dụng phụ trầm trọng.

 

      Trước và sau xử lý, mẫu TBG sẽ được thu thập để đánh giá chất lượng, bao gồm: huyết đồ, định lượng CD34+, tỷ lệ tế bào sống (% viability), cấy vi sinh, cấy khúm tế bào CFU.

 

      Sản phẩm TBG MNV sau xử lý sẽ được chứa trong canister, dán mã vạch và đưa vào máy hạ nhiệt tự động với chương trình hạ nhiệt đã được chuẩn hóa và quá trình hạ nhiệt được kiểm soát giúp hạ nhiệt TBG với tốc độ an toàn, nhằm tránh gây sốc tế bào khi tiếp xúc với nhiệt độ âm sâu đột ngột. Khi kết thúc chương trình hạ nhiệt, nhiệt độ túi sản phẩm TBG khoảng -90 đến -140oC. Sau đó, sản phẩm TBG MNV sẽ được lưu trữ an toàn trong môi trường ni-tơ lỏng – 196oC trong các bồn chứa (tanks) chuyên dụng, với vị trí được đánh dấu cẩn thận thuận lợi cho việc lấy ra sau này. Nguồn ni-tơ lỏng được cung cấp vào các bồn chứa đầy đủ, liên tục và ổn định trong suốt quá trình lưu trữ. TBG MNV có thể lưu trữ trong môi trường ni-tơ lỏng -196oC hơn 10 năm mà vẫn đảm bảo duy trì chất lượng. Cho đến hiện tại, giới hạn về tuổi thọ (longevity limit) của TBG MNV được lưu trữ vẫn chưa được xác định chính thức.

 
 

      (Hình: Đơn vị TBG MNV sau khi được xử lý)

 

      Khi bệnh nhân có nhu cầu ghép và đã được chuẩn bị sẵn sàng, các đơn vị TBG MNV sẽ được lấy ra một cách đầy đủ, chính xác và vận chuyển trong điều kiện phù hợp, an toàn để cấp phát cho khoa Ghép tế bào gốc. Đơn vị TBG MNV sẽ được rã đông theo quy trình để truyền ghép cho bệnh nhân.


Ths. Bs. Trần Trung Dũng

Trưởng khoa Ngân hàng TBG

BV Truyền Máu Huyết Học

Tài liệu tham khảo:

1. Hiller, Silberstein, Ness, Anderson, Roback (2007). Collection and Processing of PBSCs and Bone Marrow. Blood Banking and Transfusion Medicine. Basic Principles & Practice. Chapter 60

2. Technical Manual 15th Edition - AABB (2005). Cell Therapy and Cellular Product Transplantation. Chapter 25

3. Core Principles in Cellular Therapy - AABB (2008). Marrow Collection and Processing. Chapter 1

4. Joseph H. Antin, Deborah Yolin Raley (2009). Stem Cell Source. Manual of Stem Cell and Bone Marrow Transplantation.

TIN KHÁC