Máu cuống rốn (MCR) hay còn gọi là máu dây rốn hay máu bánh nhau chảy trong tuần hoàn máu thai nhi và cung cấp chất bổ cho bào thai đang phát triển trong tử cung người mẹ, là phần máu còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé.
Trước kia, sau khi cắt rời khỏi em bé, dây rốn và bánh nhau được xem như một loại rác thải y tế. Từ những năm đầu của thập niên 80, MCR của trẻ sơ sinh đã được xác nhận chứa một nguồn dồi dào tế bào gốc hệ tạo máu, có thể thay thế cho tế bào gốc tủy xương trong điều trị các bệnh lý thuộc hệ tạo máu và gần đây, người ta cũng phát hiện và phân lập được thêm tế bào gốc hệ trung mô và biểu mô có trong MCR. Đến nay, tế bào gốc MCR đã được dùng để điều trị nhiều bệnh lý của hệ tạo máu, những bệnh lý rối loạn miễn dịch di truyền, và đem lại nhiều hứa hẹn cho lĩnh vực y học tái tạo đang được nghiên cứu và ứng dụng.
Việc sử dụng MCR nhằm thay thế các nguồn tế bào gốc khác trong việc ghép điều trị các bệnh lý có các lợi điểm là:
- MCR là nguồn cung cấp tế bào gốc sẵn có dồi dào (do số lượng sản phụ sinh con đông), có thể thu thập dễ dàng mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe sản phụ và bé sơ sinh và có thể dùng ghép lại cho chính bà mẹ và đứa bé nếu sau này mắc bệnh.
- Việc thu thập và lưu giữ tế bào gốc MCR không vi phạm đạo đức.
- Tế bào gốc MCR có tính sinh miễn dịch thấp nên dễ được cơ thể khác gien chấp nhận khi ghép khác gien.
- Các đơn vị tế bào gốc MCR được bảo quản đông lạnh lâu dài trong Ngân hàng MCR, luôn sẵn sàng có thể sử dụng được khi có yêu cầu, đặc biệt trong những trường hợp bệnh nhân trong tình trạng bệnh không ổn định, không thể chờ đợi để tìm người cho tế bào gốc tủy xương hoặc ngoại vi có HLA phù hợp.
- So với tế bào gốc tủy xương được thu thập tươi có thời gian sống giới hạn, cần phải có sự phối hợp làm việc đồng bộ giữa các bộ phận thu thập, khâu vận chuyển sản phẩm ghép và ê kíp ghép tủy, MCR bảo quản đông lạnh có thể dễ dàng vận chuyển và giải đông để sử dụng.
Trường hợp ghép tế bào gốc MCR đầu tiên được thực hiện vào tháng 10 năm 1988, bởi bác sĩ Eliane Gluckman - Bệnh viện Saint Louis - Paris - Pháp, trên bé trai 5 tuổi bị bệnh thiếu máu Fanconi, từ MCR của em gái sơ sinh của bệnh nhân. Sau ghép tủy mọc tốt, bệnh nhân khỏi bệnh và cho đến nay bệnh nhân vẫn ở trong tình trạng sức khỏe ổn định. Từ đó, MCR được sử dụng ngày càng nhiều để ghép trên lâm sàng như là một nguồn tế bào gốc để thay thế tủy xương. Đến nay, trên thế giới đã có nhiều ngân hàng MCR được thành lập và cũng đã thực hiện ghép nhiều ca MCR đồng ghép và dị ghép. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội ngân hàng MCR quốc tế NETCORD, đến quí 2 năm 2011, 194.121 đơn vị MCR được lưu trữ trong các Ngân Hàng MCR thuộc hệ thống NETCORD và 9.358 trường hợp ghép tế bào gốc MCR được tiến hành trên bệnh nhân trẻ em và người lớn từ nguồn người cho có quan hệ đồng huyết thống hoặc không đồng huyết thống được thực hiện trên khắp thế giới từ các đơn vị tế bào gốc MCR được lưu trữ tại các Ngân Hàng MCR thuộc hệ thống NETCORD.
Hình: Trường hợp ghép MCR đầu tiên vào năm 1988 cho bệnh nhân thiếu máu Fanconi (Nguồn: E. Gluckman - 2010)
Cho đến nay, trên 70 bệnh lý được điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc MCR. Một số bệnh lý đã thường được chỉ định ghép tế bào gốc MCR: Bạch cầu cấp dòng lymphô, bạch cầu cấp dòng tủy, bạch cầu mãn dòng tủy, hội chứng loạn sinh tủy, suy giảm miễn dịch kết hợp trầm trọng, thiếu máu Fanconi, suy tủy nặng, lymphoma Non-Hodgkin, bệnh b Thalassemie, suy tủy dòng hồng cầu, thiếu máu hồng cầu liềm.
Những nghiên cứu gần đây cũng đã cho biết tế bào gốc hệ tạo máu có thể biệt hóa thành những tế bào của những mô khác: Cơ (cơ vân, cơ tim), tế bào não, tế bào gan, tế bào da, tế bào phổi, tế bào thận, tế bào ruột và tế bào tuyến tụy. Vì thế, có nhiều hứa hẹn điều trị được nhiều bệnh lý ngoài huyết học khác trong tương lai. Trong đó, có bốn bệnh lý được nghiên cứu ứng dụng điều trị gần đây nhất là: Tổn thương não, tiểu đường típ 1, tim mạch và tổn thương tủy sống.
Tế bào gốc hệ tạo máu trong MCR cũng đang được nghiên cứu điều trị cho những bệnh nhân ung thư tạng đặc như: Ung thư tinh hoàn, ung thư nguyên bào thần kinh đã cho những kết quả bước đầu khả quan. Nhiều nghiên cứu cũng được tiến hành trong việc ứng dụng điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng ở phụ nữ, carcinoma ở thận, ung thư tế bào nhỏ ở phổi, ... Nhìn chung, ngoài những bệnh lý ác tính, tế bào gốc hệ tạo máu điều trị hiệu quả những bệnh lý mắc phải hoặc bẩm sinh khác nữa, ví dụ: Thiếu máu bất sản nặng, thalassemia, amyloidosis, ....
Ngày nay, với công nghệ biệt hóa tế bào đang phát triển rất nhanh, tế bào gốc máu cuống rốn sẽ là nguồn tế bào gốc để từ đó giúp phân lập và biệt hóa ra những tế bào của các hệ cơ quan mong muốn, hứa hẹn việc ứng dụng sâu rộng trong việc điều trị nhiều bệnh lý khác nhau trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Broxmeyer HE (2007). Umbilical Cord Blood Stem Cells: Collection, processing, and transplantation. Blood Banking and Transfusion Medicine, Basic Principles & Practice. Chapter 59. 2nd. 823 - 829.
2. Jos Domen, Amy Wagers, Irving Weissma (2006), Bone Marrow (Hematopoietic) Stem Cells. Regenerative Medicine. 22 - 28.
3. Netcord.eu/inventory.html
4. Robert S. Negrin, Karl G. Blume (2006), William Hematology: Principles of hematopoietic cell transplantation, 7th, 2006. 303 - 304.
5. William Tse, Mary J. Laughlin (2005). Umbilical cord blood transplantation: A new alternative option. Hematology, 377–383.