BỆNH VIỆN
TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN BỆNH VIỆN TRUYỀN MÁU- HUYẾT HỌC


 

            Tháng 5/1975, BS. Trần Văn Bé được Bộ Y tế Thương binh Xã hội Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam phân công tiếp quản Viện truyền máu Quốc gia (Sài Gòn cũ) đóng tại địa chỉ 118 Hùng Vương, P.12 –Q.5 và bổ nhiệm ông làm giám đốc điều hành, quản lý cơ sở với tên gọi mới là Viện Truyền Máu, tiếp tục nhiệm vụ lấy máu, phân phối, cung cấp cho các bệnh viện thành phố. Nhân sự thủa ban đầu chỉ gồm 36 người (trong đó có 01 bác sĩ và 04 dược sĩ), đến cuối năm 1975 là 79 người.
 
                   Năm 1976, Viện Truyền Máu được chuyển cho thành phố và hoạt động dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM. Đến năm 1979, Viện Truyền Máu được đổi tên thành Trung tâm Truyền máu - Huyết học. Giai đoạn từ 1975 – 1990, 04 nhiệm vụ chính của TT.TMHH thời bấy giờ là: (1) lấy máu toàn phần, điều chế các chế phẩm máu để cung cấp cho các cơ sở điều trị tại Tp.HCM; (2) Thực hiện các xét nghiệm tế bào học, đông máu, miễn dịch, sinh hóa để sàng lọc máu và phục vụ bệnh nhân; (3) Kết hợp với các bệnh viện khác để điều trị các bệnh lý về máu, bao gồm: BV Chợ Quán (BV Nhiệt Đới), BV Quảng Đông (BV Nguyễn Tri Phương), BV Triều Châu (BV An Bình), BV Trưng Vương, BV Nhân Dân 115,…; (4) Là cơ sở giảng dạy cho trường Đại học Y Dược TP và Học viện Quân y phía Nam.
 
                  Đến  tháng 12/5/1990, chúng tôi chính thức thành lập Khu Lâm Sàng, điều trị các bệnh lý về máu ngay tại TT.TMHH với 30 giường bệnh, có 06 bác sĩ, 10 điều dưỡng và 04 hộ lý. Đồng cảm với những đau đớn, tổn thất về thể chất và tinh thần của người mắc phải bệnh về máu, các y bác sĩ luôn thương yêu và chăm sóc hết mình, và đã không ngừng tự học tập và trao dồi kinh nghiệm qua sách vở, tài liệu nước ngoài. Ban lãnh đạo bệnh viện lúc bấy giờ đã hết sức tâm huyết chọn mũi nhọn  của điều trị là phải tổ chức hóa trị liệu liều cao theo các phác đồ của thế giới và hướng tới triển khai việc ghép tủy xương để điều trị các bệnh lý ác tính.

 

 

      Với quyết tâm đó, lần lượt nhiều ê kíp bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã được gửi sang các nước bạn như Đài Loan, Nhật Bản để học tập kinh nghiệm và trở về triển khai thành công ca ghép tủy xương đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 15/7/1995. TT.TMHH đã trở thành trung tâm ghép tủy đầu tiên của cả nước, đánh dấu một bước ngoặc mới trong lịch sử phát triển của y học nước nhà.

 

       Năm 2001, TT.TMHH tiếp tục thành lập Ngân hàng máu cuống rốn đầu tiên của Việt Nam để lưu trữ tế bào gốc tạo máu để điều trị các bệnh máu ác tính và di truyền.

 
 
 
 

     Năm 2002, TT.TMHH được đổi tên thành Bệnh viện Truyền Máu – Huyết Học. Năm 2009, BV.TMHH được xếp hạng II, Giám đốc lúc bấy giờ là TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh. Ban lãnh đạo bệnh viện đã tiếp tục đưa ra định hướng đúng đắn là phải phát triển những ngành mũi nhọn là lĩnh vực xét nghiệm chẩn đoán kỹ thuật cao như: Di truyền sinh học phân tử, Dấu ấn miễn dịch, Giải phẫu bệnh,… Do đó cần 1 đội ngũ nhân lực thật sự chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, chuyên sâu theo kịp các nước trong khu vực và được đầu tư cơ sở vật chất tối đa

 

     Từ 1 bệnh viện với qui mô đơn giản: 01 khoa Dự trữ máu (do BS Đặng Minh Khang phụ trách), 01 khoa Miễn dịch (do DS Bửu Mật làm trưởng khoa) , 01 khoa Huyết sinh học (do BS Trần Văn Bình làm trưởng khoa) và 01 khoa điều trị (do BS Trần Văn Bé, Giám đốc bệnh viện trực tiếp phục trách), khoa Dược và các phòng chức năng (gồm: Kế hoạch tổng hợp, Hành chánh tổ chức, Quản trị, Kế toán tài vụ).

 

    Đến năm 2010, cùng với sự phát triển của xã hội, của khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, BV.TMHH đã dần lớn mạnh và mở rộng. Bệnh viện đã xây dựng mới cơ sở 118 Hùng Vương (phường 12, Quận 5) và cải tạo cơ sở 201 Phạm Viết Chánh (phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1) để hình thành được 5 khối:

            - Khối Ngân hàng máu: đạt tiêu chuẩn ngân hàng máu khu vực, gồm có 03 khoa: Tiếp nhận hiến máu, Sàng lọc máu, Điều chế cấp phát, cùng với tổ Quản lý chất lượng (là tiền thân của phòng Quản lý chất lượng ngày nay).
            - Khối Điều trị: đã phát triển thành 6 khoa (2 hoa nhi, 2 khoa người lớn, 1 khoa ghép TBG, khoa khám bệnh và 1 khoa HSCC).
            - Khối Cận lâm sàng: là hệ thống 5 khoa xét ghiệm chuyên biệt bao gồm: Khoa Huyết sinh học, khoa Miễn dịch, khoa Di truyền học phân tử, khoa Giải phẫu bệnh và khoa Sàng lọc máu. Bốn khoa sau được tách ra từ khoa Miễn dịch. Bên cạnh đó còn có khoa Dược, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bộ phận chẩn đoán hình ảnh.

       - Ngân hàng Tế bào gốc: tiền thân của nó là Ngân hàng Máu cuống rốn đã được thành lập theo Quyết định số 2352/QĐ-BYT ngày 5/7/2012.

      - Khối phòng Chức năng: bao gồm 07 phòng Kế hoạch tổng hợp, Tài chánh kế toán, Hành chánh quản trị, Tổ chức cán bộ, Điều dưỡng, Vật tư trang thiết bị, Quản lý chất lượng.

 

      Do số lượng bệnh nhân tăng dần theo thời gian, năm sau tăng hơn năm trước từ 10-15% nên chỉ sau 10 năm, đến năm 2010 số lượng bệnh đã lên tới 300 lượt khám ngoại trú /1 ngày và số giường nội trú là 150 giường. Cơ sở 201 Phạm Viết Chánh trở nên nhỏ hẹp. Chúng tôi đã đưa ra giải pháp thành lập Khu truyền máu và điều trị trong ngày, với 30 ghế đệm và 10 giường, nhân viên làm việc 2 ca từ 7 giờ sáng đến 20 giờ đêm, để giải quyết cho các đối tượng bệnh nhân có nhu cầu truyền máu như Thalassemie, Hemophilie và các bệnh nhân máu ác tính sử dụng các phác đồ giảm nhẹ. Điều này đã giúp giảm áp lực của khu vực nội trú, cũng như đã được sự đồng tình của người bệnh vì giúp giảm bớt thủ tục và tiết kiệm được chi phí, thời gian nằm viện. Đến nay hàng ngày chúng tôi có thể giải quyết từ 400-500 bệnh nhân ngoại trú.

 
               Bên cạnh đó,  đó, khối nội trú cũng đã dần phát triển theo mô hình chuyên sâu, mỗi bệnh lý, mỗi lãnh vực sẽ có một nhóm bác sĩ phụ trách, nằm phát huy hết khả năng của từng người, và tiếp cận nhanh chóng các thông tin mới nhất của từng lĩnh vực, liên tục cập nhật các phác đồ điều trị mới của từng loại bệnh lý. Việc hợp tác chặc chẽ giữa các bác sĩ điều trị và các bác sĩ khối xét nghiệm đã đưa đến việc nâng cao hiệu quả của việc chẩn đoán và theo dõi điều trị. BV.TMHH là một trong những bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu về việc theo dõi tồn lưu tế bào ác tính, đánh giá lui bệnh và tiên lượng tái phát sớm bằng các xét nghiệm: Dấu ấn miễn dịch tế bào (do TS.BS Nguyễn Phương Liên phụ trách), Di truyền sinh học phân tử (do TS.BS Phan Thị Xinh phụ trách). Từ 2008 BV.TMHH đã có riêng phác đồ điều trị các bệnh lý Huyết học lành tính và ác tính cho riêng mình.
 

     Quản lý thông tin bệnh nhân nội và ngoại trú bằng công nghệ thông tin đã được đề suất từ những năm 2005, và cho đến 2010 thì chính thức đi vào triển khai đồng loạt tại các khoa phòng, liên thông từ khâu tiếp nhận đến khâu thu phí, các khoa điều trị, khoa cận lâm sàng (như khoa Huyết sinh học, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Dược), và kể cả kho hồ sơ bệnh án. Ở bất cứ vị trí nào các y bác sĩ cũng có thể thấy được kết quả xét nghiệm, thông tin hành chánh của bệnh nhân. Hàng năm, Ban giám đốc BV.TMHH không ngại bỏ thêm tiền đầu tư nâng cấp hệ thống mạng thông tin để hướng tới một phần mềm bệnh án điện tử hoàn chỉnh trong tương lai. Các khoa phòng luôn nổ lực đóng góp ý kiến để phát triển phần mềm nhằm giúp nó trở thành công cụ quản lý hữu hiệu hơn.

 

     Năm 2012, BS.CKII Phù Chí Dũng được bổ nhiệm làm Giám đốc BV.TMHH. Cũng như những vị giám đốc tiền nhiệm, ông đã đặt rất nhiều tâm huyết của mình vào công việc cải tạo và phát triển bền vững của bệnh viện. Trong đó là lĩnh vực ghép TBG, rất nhiều phác đồ điều kiện hóa đã được ứng dụng để phù hợp với từng nhóm bệnh nhóm tuổi. Tiếp tục gửi bác sĩ đến Nhật Bản, Bỉ, Mỹ để học tập kinh nghiệm. Giữa năm 2013, BV.TMHH đã lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật ghép khó nhất từ trước đến nay, ngay cả trên thế giới cũng rất ít trung tâm thực hiện được, đó là ghép nửa thuận hợp HLA (hay còn gọi là ghép Haplo) dành cho những người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao không có người cho phù hợp HLA hoàn toàn.

 
 
 
 

      Năm 2014, BV.TMHH đã được cấp giấy chứng nhận ISO 9001:2008 của tổ chức DNV về việc quản lý chất lượng trên toàn bộ 5 mặt. Đó là kết quả đạt được sau hơn 2 năm làm việc miệt mài của các khoa phòng và sự quyết tâm của Ban giám đốc bệnh viện, nhờ đó mà công việc của các khoa phòng trở nên chuyên nghiệp, các hoạt động phối hợp giữa các phòng ban và các khoa trở nên nhịp nhàng hơn. Không dừng lại ở chứng chỉ ISO 9001:2008, Ban Giám đốc bệnh viện đang hướng tới chứng chỉ của các phòng xét nghiệm (ISO 15189), chứng chỉ thực hành sản xuất tốt của châu Âu đối với Ngân hàng máu (GMP), chứng chỉ của hệ thống Ngân hàng tế bào gốc quốc tế (EuroCord, NetCord),…

 
 
 

      Cùng năm 2014, bệnh viện Truyền máu Huyết học được xếp hạng I và là đơn vị chỉ đạo tuyến về chuyên khoa Huyết học cho các tỉnh phía Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của ngành huyết học, từ những năm đầu thành lập đến nay, chúng tôi đã luôn mở rộng cửa đón các thế hệ sinh viên cũng như học viên sau đại học từ các trường y đến thực tập và trao dồi chuyên môn, tổ chức nhiều khóa đào tạo, chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới có kết quả cao. Như mô hình chuyển giao ghép tế bào gốc cho các bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Ung bướu Nghệ An; mô hình chẩn đoán và điều trị ung thư máu cho BV Ung thư Đà Nẵng; mô hình truyền máu an toàn cho Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh;…

 

  Bốn mươi năm qua, BV.TMHH đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong quá trình theo đuổi mục tiêu phát triển của mình dù cơ sở vật chất còn rất nhỏ hẹp. Nhưng với tinh thần làm việc hăng say và quyết tâm cao của tập thể ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên chức của bệnh viện qua các thời kỳ, BV.TMHH đã không ngừng vươn lên để trở thành một trung tâm Huyết học hàng đầu trong cả nước. Nhìn lại 40 năm qua, chúng ta thêm tự hào, cảm phục về thế hệ các thầy, các anh chị đi trước đã tận tâm truyền đạt những kinh nghiệm quí báu cho các thế hệ đàn em, đã đem lại cho BV.TMHH những thành tựu không thể phai nhòa trong lịch sử y học nước nhà.

 

      Mỗi tập thể, mỗi cá nhân là cán bộ công nhân viên của BV.TMHH dù ở cương vị, nhiệm vụ, trách nhiệm nào đều đã góp phần không nhỏ, đã chung tay sát cánh cùng nhau trên con đường chinh phục mục tiêu phát triển của bệnh viện Truyền Máu – Huyết học. Trong tương lai gần nhất chúng tôi sẽ có một bệnh viện khang trang hiện đại là khát khao cháy bỏng từng ngày từng giờ của tập thể nhân viên BV.TMHH để nâng cao chất lượng phục vụ và điều trị, để đem lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho những bệnh nhân mạn tính, ác tính về Huyết học.

 
 
 
 Bệnh viện Truyền máu - Huyết học ngày nay
 
 
 

BAN GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN



TIN KHÁC