BỆNH VIỆN
TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC

NHỮNG THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ GHÉP TẾ BÀO GỐC NỮA THUẬN HỢP

      1. Dị ghép nữa thuận hợp là gì?

      Dị ghép tế bào gốc là một phương pháp điều trị hiệu quả để chữa nhiều bệnh lý huyết học ác tính và lành tính như bạch cầu cấp, bạch cầu mạn, đa u tuỷ xương, u lymphôm, suy tủy xương, suy giảm miễn dịch bẩm sinh…Trong quá trình dị ghép, bác sĩ sẽ sử dụng những tế bào có chức năng tạo máu (hay còn gọi là tế bào gốc) từ người cho nhằm truyền vào và thay thế tủy xương đang bị tổn thương của người bệnh. Để tìm người cho phù hợp nhất, bác sĩ thường sẽ chỉ định xét nghiệm HLA để xác định những kháng nguyên bạch cầu trên tế bào của cả người cho và người nhận. Người cho lý tưởng nhất nếu có kết quả HLA phù hợp hoàn toàn với người bệnh. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% người bệnh có thể tìm được người cho phù hợp HLA hoàn toàn từ anh chị em ruột trong gia đình. Do đó chỉ có một số người bệnh có cơ hội điều trị khỏi bệnh bằng phương pháp ghép tế bào gốc.

     Ghép tế bào gốc nữa thuận hợp là khi người cho chỉ phù hợp một nữa (50%) kết quả HLA với người nhận. Phương pháp ghép này có thể được sử dụng nếu như bác sĩ không tìm được người cho phù hợp hoàn toàn từ anh chị em ruột hoặc từ ngân hàng tế bào gốc.

      Theo đặc điểm di truyền, cha mẹ và con cái thường phù hợp với nhau 50% về HLA. Trong khi ở anh chị em ruột, tỷ lệ người cho nữa thuận hợp là 50%. Phương pháp ghép nữa thuận hợp tương đối mới và chỉ được thực hiện ở một số trung tâm ghép có nhiều kinh nghiệm. Với phương pháp này, khả năng có thể tìm được người cho phù hợp để tiến hành ghép kịp thời là rất cao (Hình).

 
 

Hình: Sự phân bố di truyền HLA giữa cha mẹ và các con

Chú thích: Nếu người con 1 là người bệnh, thì người con 3 sẽ là người cho phù hợp HLA hoàn toàn. Những người cho nữa thuận hợp (giống người bệnh 50% về HLA) có thể được lựa chọn là cha, mẹ và người con 4.

      2. Thu thập tế bào gốc từ người cho nữa thuận hợp được tiến hành như thế nào?

      Bác sĩ sẽ tư vấn và tiến hành kiểm tra sức khỏe tất cả những người cho trước khi hiến tế bào gốc. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là khả năng điều trị được người bệnh nhưng không gây tổn hại đáng kể cho người cho tế bào gốc. Sau khi được cân nhắc lựa chọn kỹ lượng, quá trình thu thập tế bào gốc không khác biệt gì so với những phương thức ghép hiện tại. Người cho có thể hiến tế bào gốc máu ngoại vi hay tủy xương.

      Đối với phương pháp thu thập tế bào gốc từ máu ngoại vi, người cho sẽ được nhập viện vài ngày trước khi thu thập và sẽ được bác sĩ chỉ định một thuốc nhằm huy động tế bào gốc từ tủy xương ra ngoài máu. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành thu thập tế bào gốc bằng một hệ thống máy đặc biệt và hoàn trả các thành phần máu không sử dụng trở lại người cho. Quá trình này có thể kéo dài vài giờ và tương tự như việc hiến máu hay hiến tiểu cầu thông thường. Người cho sẽ được xuất viện 1-2 ngày sau khi hoàn tất.

      Đối với tế bào gốc từ tủy xương, quá trình thu thập sẽ được tiến hành trong phòng mổ với điều kiện vô trùng. Người cho sẽ được gây mê và bác sĩ sẽ thực hiện chọc hút tủy xương ở vùng xương chậu để lấy lượng tế bào gốc đủ cho cuộc ghép. Người cho cũng sẽ được theo dõi trong bệnh viện 1-2 ngày sau thủ thuật. Do lượng tủy lấy không đáng kể nên gần như người cho sẽ hồi phục hoàn toàn trong 1 tuần.

      Mặc dù hiện nay tế bào gốc máu ngoại vi được lựa chọn nhiều hơn do dễ thu thập và ít gây đau. Tuy nhiên, tế bào gốc từ tủy xương được xem là nguồn tế bào gốc tốt nhất do giảm được nguy cơ biến chứng mô ghép chống chủ (GvHD) nhưng vẫn đảm bảo được việc mọc mảnh ghép cho người bệnh sau ghép.

      3. Ghép tế bào gốc nữa thuận hợp có những lợi ích và bất lợi gì?

      Lợi ích lớn nhất của ghép tế bào gốc nữa thuận hợp là sự nhanh chóng. Việc tìm kiếm nguồn người cho từ ngân hàng tế bào gốc thường tốn nhiều thời gian, trung bình khoảng 3-6 tháng và khả năng tìm được người cho phù hợp HLA cũng không cao. Trong khi đó, ở nhiều bệnh lý cấp tính như bạch cầu cấp, suy tủy, loạn sinh tủy…, việc trì hoãn để chờ đợi tìm người cho có thể làm bệnh tình trở nặng nhanh chóng. Người cho nữa thuận hợp luôn luôn có sẵn trong gia đình như anh chị em, con cái, cha mẹ…sẽ giúp cuộc ghép diễn ra nhanh hơn, tránh những kết quả bất lợi do chậm trễ điều trị.

      Tại Việt Nam, với tập quán sống gần gũi và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, việc tìm người cho nữa thuận hợp từ gia đình thường rất nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với tìm kiếm từ ngân hàng người cho không đồng huyết thống.

      Dữ liệu nghiên cứu ngày nay đã chứng minh được ghép tế bào gốc nữa thuận hợp có kết quả điều trị không thua kém gì so với những phương pháp ghép khác với tỷ lệ biến chứng ở mức có thể kiểm soát được.

Mặc dù thế, ghép tế bào gốc nữa thuận lợi cũng có một số bất lợi quan trọng. Do đây là phương pháp ghép mới, nên các bác sĩ vẫn chưa có nhiều dữ liệu để đánh giá, nhất là những biến chứng lâu dài sau ghép. So với ghép tế bào gốc phù hợp hoàn toàn thì thời gian để người bệnh ghép nữa thuận hợp hồi phục bạch cầu và tiểu cầu tương đối dài hơn. Đồng thời, khả năng xuất hiện các biến chứng cũng có thể nhiều hơn, chủ yếu từ sự bất tương đồng HLA gây nên, chẳng hạn biến chứng mô ghép chống chủ cấp tính, tái hoạt siêu vi và thải ghép.

      Nói tóm lại, Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học đã bắt đầu tiến hành ghép tế bào gốc nữa thuận hợp từ năm 2013. Đến nay số lượng người bệnh được ghép bằng phương pháp này đã tăng nhanh chóng qua từng năm với kết quả khá khả quan. Đây cũng là cơ hội giúp người bệnh vốn không tìm được người cho phù hợp hoàn toàn có thể chữa được bệnh với chi phí hợp lý. Hiện nay, ghép tế bào gốc nữa thuận hợp tại bệnh viện chủ yếu tiến hành trên các bệnh lý huyết học ác tính. Tuy nhiên, Bệnh viện đang có kế hoạch mở dần chỉ định hơn nữa dành cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý lành tính như suy tủy, thalassemia và suy giảm miễn dịch bẩm sinh.

TIN KHÁC