BỆNH VIỆN
TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC

NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH NHIỄM HTLV-I/II TRÊN MẪU NGƯỜI HIẾN MÁU TẠI BỆNH VIỆN TRUYỀN MÁU HUYẾT HỌC

1. Đặt vấn đề
Human T-lymphotropic virus type I và II (HTLV-I và HTLV-II) là retrovirus sợi đơn RNA lây nhiễm ở người, đã được phân lập và biết đến từ rất sớm. Tuy nhiên, chúng ít được chú ý đến và được ứng dụng trong sàng lọc trễ hơn HIV do biểu hiện gây bệnh của chúng không rõ và không dễ quan sát như HIV. Tuy nhiên, gần đây, nhiễm virus gây ung thư bạch cầu lymphô T người (HTLV) dần trở nên phổ biến, HTLV-I có liên quan đến bệnh ung thư tế bào T ở người lớn và một số bệnh về hệ thần kinh (2% - 4%) gây bệnh trên cá thể nhiễm virus. HTLV-II được cho rằng có liên quan đến một số bệnh ở tế bào lympho T, nhưng cơ chế gây bệnh vẫn đang được tìm hiểu. Tuy nhiên, có thể nói, HTLV-I và HTLV-II có thể gây bệnh ở người [2]. Và hằng năm, uớc tính khoảng 20 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm HTLV-I [3]. Tương tự như HIV, HTLV có thể lây nhiễm qua nhiều con đường như: từ mẹ sang con qua việc cho con bú, quan hệ tình dục, và tiếp xúc với máu bao gồm truyền máu và các sản phẩm máu bị nhiễm bệnh hoặc dùng chung bơm kim tiêm. Trong đó, nhiễm qua đường truyền máu chiếm tỷ lệ rất cao (40% - 60%) [5]. Cả hai loại virus HTLV-I/II mặc dù hiếm, song cũng đã tìm thấy trong máu người cho máu ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Trường hợp nhiễm HTLV I/II hiếm gặp ở Việt Nam. Nhưng theo nhiều báo cáo, tỷ lệ này cao hơn ở nhóm người có nguy cơ cao (như tiêm chích ma túy) [8]. Do đó, từ những năm đầu thế kỷ 21, các đơn vị máu ở Việt Nam đã được sàng lọc HTLV I/II. Điều này giúp làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm qua truyền máu và cũng giúp kiểm soát khả năng lây nhiễm của HTLV I/II.
Tại Bệnh viện Truyền máu Huyết Học, tất cả các sản phẩm máu trước khi sử dụng đều được xét nghiệm HTLV I/II bằng kỹ thuật ELISA hoặc CMIA giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm HTLV cho người nhận. Ứng dụng kỹ thuật trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu tình hình nhiễm HTLV I/II trên mẫu người hiến máu tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học từ năm 2013 – 2018 với mục tiêu xác định tỷ lệ nhiễm HTLV I/II trên mẫu người hiến máu tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học từ 7/2013 – 6/2018.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
869097 mẫu máu tình nguyện thu được từ 07/2013 - 06/2018 tại khoa Sàng lọc máu, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh được thực hiện xét nghiệm HTLV-I/II bằng kỹ thuật ELISA hoặc kỹ thuật hóa phát quang. Nghiên cứu được thiết kế theo nghiên cứu mô tả cắt ngang
3. Kết quả nghiên cứu
Chúng tôi đã thực hiện xét nghiệm HTLV I/II trên 869097 mẫu máu tình nguyện, xác định có 932 (0,11%) mẫu dương tính với HTLV I/II. HTLV I/II có tỷ lệ lây nhiễm phổ biến trên thế giới, ước tính có khoảng 15 – 20 triệu người nhiễm HTLV I/II. Tỷ lệ người nhiễm HTLV-I/II chiếm tỷ lệ cao nhất là ở vùng phía Tây Nam Nhật Bản (khoảng 10%), một vài nước ở vùng Caribê như Jamaica và Trinidad (khoảng 6%), một số quốc gia ở Châu Phi bao gồm Benin, Cameroon, và Guinea - Bissau (khoảng 5%). Đây là những quốc gia thuộc khu vực có tỷ lệ nhiễm cao nhất trên thế giới. Đối với người hiến máu tại khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu, tỷ lệ dương tính HTLV I/II rất thấp, chẳng hạn như ở Mỹ và Canada là 0,03%, đạt giá trị 0,002% ở Na Uy, và 0,0056% ở Hy Lạp. Ở các nước Châu Á, ngoại trừ Iran và Nhật Bản, thì tỷ lệ dương tính tương đối thấp [7].
Tỷ lệ dương tính HTLV I/II trong nghiên cứu của chúng tôi là 0,11%, kết quả này cho thấy, Việt Nam hiện nay vẫn nằm trong khu vực có vùng dịch thấp (<1%). Điều này hoàn toàn phù hợp so với nhiều nghiên cứu trước đây, điển hình là trong nghiên cứu của Bernard. P và cộng sự (2000), Việt Nam thuộc vùng có tỷ lệ dương tính thấp [1]. Mặc dù Việt Nam có tỷ lệ dương tính HTLV thấp so với một số nước khác trên thế giới, nhưng do con đường lây nhiễm của HTLV I/II chủ yếu qua con đường truyền máu nên tại Bệnh viện Truyền Máu Huyết Học TP. Hồ Chí minh, giả sử trong 5 năm qua, nếu không có xét nghiệm HTLV I/II để sàng lọc các túi máu thì có thêm rất nhiều người nhiễm HTLV I/II. Hiện nay, 1 túi máu thu được từ một người sẽ sản xuất thành các sản phẩm máu như hồng cầu lắng, tiểu cầu, huyết tương đông lạnh, kết tủa lạnh, như vậy, từ tháng 7/2013 đến tháng 6/2018 có tổng cộng 932 túi máu bị nhiễm HTLV I/II, chiếm tỷ lệ thấp nhưng đây là một con số vô cùng ý nghĩa, đáng phải suy ngẫm.
Trong nghiên cứu này, số người mới hiến máu lần đầu là 272352 người (chiếm 56,4% tổng số người hiến máu) cao hơn số người hiến máu lặp lại (210773 người, chiếm 43,6%) là 1,3 lần%). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng gần với nghiên cứu của Patience và cộng sự (2016) khi nghiên cứu 368 người hiến máu tình nguyện, trong đó 55,98% người hiến máu lần đầu, 44,02% người hiến máu lặp lại [4]. Người hiến máu được chọn lọc rất kỹ theo tiêu chuẩn của ngân hàng máu.Việc hiến máu lặp lại là yếu tố chính đảm bảo các thông tin về lịch sử người hiến máu, đảm bảo chất lượng máu, ổn định nguồn cung [6]. Tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh, ngân hàng máu đang cố gắng vận động để tăng tỷ lệ người hiến máu lặp lại nhằm đảm bảo nguồn máu ổn định, cũng như đạt tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practice) để xuất huyết tương và nhập lại các chế phẩm máu chiết tách từ huyết tương.
Tóm lại, cần phải duy trì việc thực hiện xét nghiệm HTLV I/II trong sàng lọc máu, một là giúp người hiến máu phát hiện sớm bệnh để phòng ngừa và chữa trị, hai là để bảo vệ những người cần tiếp nhận máu không bị lây nhiễm qua con đường truyền máu. Do đó, hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan HTLV I/II qua đường truyền máu.
4. Tài liệu tham khảo
[1] Bernard. P, Dipak. D, Syamalyma. D, Jayne. L, Lawrence. P (2000). HTLV II associated cutanous T-cell lymphoma in a patient with HIV 1 infection. The New England journal of medicine, 342, 930-936
[2] Fischer, H. E. (1995). Human T-Lymphotropic Virus Types I and II: Screening and Seroprevalence in Blood Donors. Current issues in Transfusion Medicine, 3(4)
[3] Jinzhen Xie, Shengxiang Ge, Yali Zhang, Yongcai Lin, Hongying Ni, Jun Zhang, Changrong Chen (2015). The Prevalence of Human T-Lymphotropic
[4] Patience Uchenna Tweteise, Bernard Natukunda, Joel Bazira (2016). Human T-cell Lymphotropic Virus Types 1 and 2 Seropositivity among blood donors at Mbarara Regional Blood Bank, South Western Uganda. Leukemia Research and Treatment, 2016, 1-6
[5] Verdonck K., Gonzalez E., van Dooren S., Vandamme A.M, Vanham G., Gotuzzo E. (2007). Human T-lymphotropic virus 1: Recent knowledge about an ancient infection. Lancet Infect, 7, 266-281
[6] WHO (2011). WHO guidelines on good manufacturing practiced for blood establishments. WHO Technical Report Series, No. 961, 182-183
[7] Xin Li, Yuanzhong Chen, Zhengjun Wu, Na Zhang (2014). Prevalence of human T-lymphotropic virus type 1 infection among blood donors in mainland China: a meta-analysis. International Journal of Infectious Diseases, 25, 94-99
[8] Zunt, J. R., Tapia, K., Thiede, H., Lee, R., & Hagan, H. (2006). HTLV-II infection in injection drug users in King County, Washington. Scandinavian journal of infectious diseases, 38(8), 654-663
ThS. Nguyễn Thanh Sơn - Khoa Sàng lọc máu 
 

Mô tả

TIN KHÁC